<div> <p style="text-align: justify;"><span>Dự án “khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh Lũng Cú”, được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt từ năm 2016 với tổng diện tích 75ha trên địa phận thuộc địa phận xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang). Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phúc Lộc – Hà Giang với tổng số tiền gần 900 tỷ đồng.</span></p> <p style="text-align: justify;">Dự án gồm các hạng mục chính: khu tâm linh chùa Lũng Cú có diện tích 70,5 ha và đại tượng phật có diện tích khoảng 4,5 ha.</p> <p style="text-align: justify;">Trong khu tâm linh chùa Lũng Cú, xây dựng chùa 4,8ha, khu đào tạo phật giáo 1,89ha và khu nhà khách rộng 9ha còn lại giữ nguyên hiện trạng 54,8ha.</p> <p style="text-align: justify;">Công trình này hiện đang được thi công hoàn thiện các hạng mục và đoạn đường xuyên cánh đồng lúa dẫn vào khu du lịch. Từ xa, khách du lịch lên cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc của Tổ quốc dễ dàng nhận thấy, một vạt núi cạnh cột cờ đã bị “xẻ thịt” để thực hiện dự án.</p> <p style="text-align: justify;">Công trình này được dư luận ví như “siêu dự án” phiên bản Panorama 3 tại Hà Giang. Dù cùng có vị trí đắc địa, nhưng quy mô dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú có quy mô diện tích và số tiền đầu tư gấp nhiều lần so với di tích Đồn Cao ở thị trấn phố cổ Đồng Văn đang bị đình chỉ.</p> <div> <div style="text-align: justify;"><img alt="Thêm siêu dự án 'vượt rào xẻ núi’ làm du lịch ở Hà Giang - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/21/lung_cu_byub.jpg" /><span>Toàn cảnh khu vực "xẻ núi" tại dự án tâm linh Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) tháng 7/2018, thời điểm chưa có đánh giá tác động môi trường.</span></div> </div> <p style="text-align: justify;">Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thơ – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Văn cho biết, dự án thuộc tỉnh quản lý, đơn vị có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, vận động bà con di dời 101 ngôi mộ của bà con dân bản Mông.</p> <p style="text-align: justify;">Quá trình giải phóng mặt bằng khó khăn tuy nhiên sau nhiều thời gian vận động, năm 2017 mặt bằng đã được bàn giao cho dự án để chuẩn bị thi công làm đường, xây dựng chùa. Còn quá trình xây dựng, thi công, đánh giá tác động môi trường do các đơn trực thuộc tỉnh đảm nhiệm.</p> <p style="text-align: justify;">Theo tìm hiểu của phóng viên, dù chưa được các Bộ ban ngành thẩm định đánh giá tác động môi trường và đưa ý kiến nhưng dự án đã "vượt rào" thi công trước.</p> <p style="text-align: justify;">Cụ thể, <span>tháng 11/2018 Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư và địa phương để thực hiện dự án. Quyết định này yêu cầu địa phương phải đảm bảo dự án nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú và tuân thủ các quy định về bảo vệ di sản văn hóa để căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các bước tiếp theo.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Tuy nhiên, dự án bắt đầu triển khai từ trước đó. Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về dự án này sẽ phá vỡ cảnh quan. Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công bố, từng đưa ra “cảnh báo”, yêu cầu bảo vệ nguyên trạng nhiều hạng mục ở di tích Cột cờ Lũng Cú.</span></p> <p style="text-align: justify;">Đáng chú ý, trong văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTT&DL yêu cầu địa phương thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định hiện hành. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư cần bám sát quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn và quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu để tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên.</p> <div> <div> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> </div> </div>