Mới đây, trang thông tin nội bộ chính thức của Saigon Co.op chia sẻ một bài viết về những ngày không ngủ của Trung tâm phân phối Thực phẩm tươi sống (TTPP TPTS) Bình Dương.
"Trong những ngày qua hàng nghìn cán bộ nhân viên ở các điểm bán lẻ của Saigon Co.op đang căng mình tiếp nhận đơn hàng, soạn hàng giao khách, nhưng ít ai biết rằng để đảm bảo nguồn hàng hóa kịp thời chuyển đến siêu thị còn có hàng trăm con người tại TTPP TPTS Bình Dương đang gồng mình làm việc như một chiếc máy, mỗi ngày chỉ có thể chợp mắt 3-4 tiếng", bài viết cho biết.
Đây là một trong những kho hàng tập trung của Saigon Co.op, dự trữ và phân phối hàng thủy hải sản, rau củ quả, hàng đông lạnh, hàng sơ chế đóng gói. So với thời điểm trước dịch, lượng hàng tập kết tại đây đã tăng gấp 4 lần, trong đó ưu tiên cho nhóm hàng tươi sống.
Hiện mỗi ngày có 600 xe vận chuyển hàng có tải trọng từ 2-5 tấn lấy hàng từ các tỉnh Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Phước, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, riêng TP.HCM dùng xe có tải trọng 12 tấn.
Chỉ 1/3 nhân sự còn làm việc
Từ ngày 9/7 khi TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16, người dân đổ xô mua sắm thực phẩm để tích trữ hơn, thông qua tất cả kênh cửa hàng, trực tuyến và thông qua các dịch vụ đi siêu thị hộ. Thống kê của các hệ thống bán lẻ cho thấy lượng khách và sức mua những ngày qua tăng đến 5 lần so với thời điểm trước đây.
Đại diện một nhà bán lẻ cho biết đã bước qua ngày thứ 5 TP áp dụng Chỉ thị 16 nhưng lượng khách xếp hàng chờ mua sắm vẫn đông đúc. Trong khi đó, mỗi ngày, một số điểm bán lớn ghi nhận hơn 2.000 đơn hàng online, siêu thị nhỏ từ 400-700 đơn, thậm chí có một chuỗi trong hệ thống phải tiếp nhận hơn 10.000 đơn hàng online/ngày.
Dù khối văn phòng có chi viện cho tuyến đầu siêu thị nhưng vẫn không thể giải quyết xuể lượng đơn
Đại diện một hệ thống bán lẻ
"Nhân sự của chúng tôi hiện không đủ để phục vụ. Do một số vẫn đang cách ly, chỉ 1/3 nhân viên còn làm việc tại các siêu thị. Khối văn phòng có chi viện cho tuyến đầu siêu thị nhưng vẫn không thể giải quyết xuể lượng đơn như vậy", vị đại diện này giãi bày.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh họ phải tăng cường bán hàng lưu động, hỗ trợ cung ứng cho các khu điều trị, phong tỏa...
Để đảm bảo hàng hóa đến tay người dân nhanh nhất có thể, Satra đang huy động tất cả nhân viên tại chỗ và cả khối văn phòng để hỗ trợ "đi chợ giùm khách", sắp xếp quầy kệ, hỗ trợ khai báo y tế...
Còn Saigon Co.op cũng huy động một bộ phận nhân viên từ Co.op Smile, Cheers... sang xử lý đơn hàng cho Co.opmart, Co.opFood, cũng như đưa một số nhân sự khối văn phòng xuống hỗ trợ TTPP TPTS Bình Dương.
Trong khi đó, Bách Hóa Xanh tận dụng nhân viên từ các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, song song với việc tuyển thêm nhân sự mới.
Các hệ thống bán lẻ đang tăng cường nhân sự hỗ trợ tại các điểm bán. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo đại diện một chuỗi siêu thị, xử lý đơn hàng online là một trong những công việc tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt với những siêu thị có diện tích lớn và những đơn hàng nhiều sản phẩm.
"Khách chỉ muốn nhận hàng ngay và luôn, còn shipper thì sốt ruột nếu ngồi đợi, thành ra nhân viên siêu thị phải 'chạy' hết tốc lực gom đơn. Dịch bệnh thế này mua online sẽ an toàn hơn đến siêu thị, nên chỉ mong mỗi người thông cảm cho nhau một chút để tâm lý làm việc của cả shipper lẫn nhân viên siêu thị đều tốt hơn", vị này chia sẻ.
Nguồn cung dồi dào nhưng điều chuyển chậm
Chia sẻ với Zing, đại diện Satra khẳng định đến nay vẫn đảm bảo hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng với giá cả ổn định nhờ vào việc liên tục đàm phán với các nhà cung cấp, tìm kiếm thêm nhà cung cấp mới, thương thảo các hợp đồng gối đầu và giải quyết nhanh công tác vận chuyển.
"Tuy nhiên, hiện nay việc giao hàng của nhà cung cấp phải qua rất nhiều chốt, đặc biệt là các nhà cung cấp ở các tỉnh, nên thời gian giao hàng đến các địa điểm của hệ thống cũng có sự ảnh hưởng", người này cho biết.
Trong khu vực TP.HCM, việc lưu thông hàng hóa đến các điểm bán cũng không dễ dàng, đặc biệt ở những khu vực bị phong tỏa.
Điển hình là cửa hàng Satrafoods trên đường Bùi Văn Ba (quận 7) vài ngày qua phải tạm dừng hoạt động do công tác về hàng hóa, nhân sự gặp khó. Satra đã làm việc với chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn và thực hiện các hướng dẫn. Đến trưa 12/7, cửa hàng chính thức mở cửa trở lại.
Giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian là nguyên nhân gây khó khăn chính cho lưu thông hàng hoá
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc vận hành VinMart miền Nam
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, cũng thừa nhận khâu chuyển hàng từ nguồn cung ở các tỉnh về TP.HCM cũng như từ kho tổng đến các siêu thị là khó khăn lớn nhất hiện nay.
"Giấy chứng nhận xét nghiệm của tài xế có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian là nguyên nhân gây khó khăn chính cho lưu thông hàng hoá. Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TP.HCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên bị giữ lại các chốt kiểm dịch", ông Nguyễn Tô Kiều Trinh chia sẻ.
Qua khảo sát ở nhiều đơn vị, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cũng cho biết các hệ thống phân phối đang thiếu nhân lực ở khâu vận chuyển, do đó các tài xế phải di chuyển liên tục, quay vòng gấp 2-3 lần ngày thường.
Mặt khác, tại một số siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi có diện tích nhỏ, không có kho hàng dự trữ nên tình trạng thiếu hàng dễ xảy ra hơn.
Thực tế ở các chuỗi của VinCommerce, các siêu thị lớn mấy trăm m2 của VinMart đều có kho hàng dự trữ, sẵn sàng bổ sung lên kệ cho khách, còn VinMart+ thường diện tích nhỏ, mỗi ngày châm hàng 2 lần sáng và chiều nên có thời điểm trống kệ.
Khó khăn trong khâu vận chuyển gây ra tình trạng quầy kệ trống hàng tại các siêu thị, dù nguồn cung đảm bảo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Do đó, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh kiến nghị các cơ quan chức năng tìm giải pháp triển khai mô hình xét nghiệm nhanh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, đồng thời nghiên cứu các phương án đảm bảo luân chuyển hàng hoá không bị tắc nghẽn tại các chốt ven thành phố.
Đề xuất được ưu tiên tiêm vaccine
Ngày 11/7, Tập đoàn Masan có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Y tế và UBND một số tỉnh phía Nam đề nghị được ưu tiên nguồn vaccine phòng dịch Covid-19 cho hệ thống nhà máy sản xuất thực phẩm và chuỗi bán lẻ. Trước đó, đơn vị này cũng bày tỏ ý kiến trên với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ.
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc VinCommerce (công ty con của Tập đoàn Masan), nhìn nhận nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm dịch Covid-19 với nhóm nhân viên bán hàng tại siêu thị là rất lớn, bởi dù tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, hàng ngày đối tượng này phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng.
Nguy cơ tương tự cũng xảy đến với nhóm nhân viên làm việc trong nhà máy có khuôn viên sản xuất tập trung.
Bà Phương cho rằng việc bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng là góp phần bảo vệ chuỗi cung ứng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống lây lan dịch bệnh.
Hiện tại, hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ của Masan có gần 2.500 điểm bán trên cả nước với hơn 22.000 nhân viên; bên cạnh đó là khoảng 30 nhà máy với các tổ hợp chế biến thực phẩm. Tổng cộng, tập đoàn có gần 40.000 nhân viên làm việc ở các lĩnh vực thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng cho người dân, nhưng mới có khoảng 6.600 nhân viên được tiếp cận nguồn vaccine.
“Nhiều cán bộ công nhân viên của chúng tôi bán hàng trực tiếp, cũng như làm trong các nhà máy đặt tại ‘điểm nóng’ dịch bệnh như: TP.HCM, Long An, Bình Dương nhưng chưa được ưu tiên tiêm vaccine trong giai đoạn này”, bà Phương cho biết.
Một vấn đề nữa được đại diện Masan đề cập đến là việc chưa được tiêm vaccine Covid-19 khiến nhiều nhân viên cảm thấy bất an và lo ngại đến nơi làm việc.
“Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn đến nguồn lực lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của tập đoàn trong năm nay dự kiến lên đến 100% (nghỉ quay vòng, chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), cao nhất từ trước tới nay”, bà Phương nói.
Phó tổng giám đốc VinCommerce kể có thời điểm, cá biệt có siêu thị chỉ còn 10-12 nhân viên bán hàng trên tổng số 100 nhân viên do phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa. Chủ chuỗi VinMart và VinMart+ đã phải điều động nhân viên từ vùng khác về để hỗ trợ cho vùng dịch, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dịch lây lan nhanh.