Kẹt đất tái định cư là kẹt dự án
Ngày 25/3/2020, Tập đoàn Hòa Phát đã thông qua chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, giai đoạn mở rộng. Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất và Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng là 02 “siêu” dự án công suất 9 triệu tấn thép/năm, tổng đầu tư hơn 112.000 tỷ đồng. Đây là 2 dự án giúp thay đổi quy mô, tính chất sản xuất, kinh doanh, đưa Tập đoàn Hòa Phát chen chân vào top những nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất có quy mô diện tích khoảng 376ha, công suất thiết kế 4 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 52.000 tỷ đồng. Dự án mở rộng dự kiến triển khai với quy mô 166ha, công suất thiết kế là 5 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư lên đến 60.000 tỷ đồng.
Về tiềm lực của Hòa Phát, thời điểm 31/12/2019, tổng nguồn vốn của tập đoàn có được gần 101.776 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 47.786 tỷ đồng). Nợ phải trả của tập đoàn lên tới 53.989 tỷ đồng, tăng đến 43% so với đầu kỳ. Trong đó, vay ngắn hạn 16.837 tỷ đồng, tăng thêm 5.343 tỷ đồng so với đầu kỳ (tăng 46,7%), vay dài hạn 19.842 tỷ đồng, tăng thêm 7.032 tỷ đồng (tăng 55%).
Như vậy, nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên vốn chủ sở hữu của Hoà Phát trong năm 2019 đã lên đến 76,75%. Năm 2019, tập đoàn đã trả 936 tỷ đồng tiền chi phí đi vay, trong khi năm 2018 là 539 tỷ đồng, tương đương mức tăng 73%.
Các khoản vay ngắn hạn của Hòa Phát đều bằng VNĐ và USD, trong đó các khoản vay bằng VNĐ chịu lãi suất từ 2,8% đến 6,2%/năm, các khoản vay bằng USD chịu lãi suất từ 3,19 - 5,5%/năm.
Về vay dài hạn, tập đoàn chủ yếu vay Vietinbank - Chi nhánh Hà Nội với 8.732 tỷ đồng, đáo hạn vào năm 2025; vay 7.807 tỷ đồng từ Vietcombank - Chi nhánh Thành Công, đáo hạn vào năm 2025, và vay Ngân hàng BNP Parisbas bằng USD với giá trị tương ứng 4.640 tỷ đồng, đáo hạn vào năm 2023, hạn mức 200 triệu USD. Vay Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam hai khoản đều bằng VNĐ với tổng giá trị 874 tỷ đồng hạn mức vào năm 2022 và 2024; vay gần 170 tỷ đồng của Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam hạn mức 2020...
Lưu ý rằng, các khoản vay dài hạn bằng VNĐ chịu lãi suất từ 2,6 - 11%/năm, còn bằng USD chịu lãi suất libor cộng 2,05%/năm.
Từ năm 2017, tập đoàn đã tập trung đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Ghi nhận cho thấy tới thời điểm 31/12/2019 Hòa Phát phải dành tới 36.685 tỷ đồng (tương đương với tổng các khoản vay ngắn hạn và dài hạn) để chi cho xây dựng cơ bản. Sau 3 năm triển khai Hòa Phát đã giải ngân 33.097 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất, tức mới khoảng 63,6% tổng mức đầu tư dự án. Cộng thêm đầu tư tới 60.000 tỷ cho dự án mở rộng trong thời gian tới và các khoản vay thì áp lực về vốn cho Hòa Phát không hề nhỏ.
Vay nợ đầu tư lớn đã kéo giảm lợi nhuận của tập đoàn, so với năm 2018 thì lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Hòa Phát giảm 1.022 tỷ đồng (giảm 12%), từ 8.600 tỷ đồng xuống còn 7.578 tỷ đồng.
Vay nợ lớn chỉ là một phần khó khăn mà Hòa Phát đang giải, vì tính đến ngày 28/02/2020 đã là lần thứ 6 doanh nghiệp này có văn bản kiến nghị “khẩn cấp” tới tỉnh Quảng Ngãi nhờ tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) và “đói” quỹ đất tái định cư. Dự kiến, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng khởi công vào năm 2023, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch cũng như vốn đầu tư dự án của tập đoàn.
Tổng vốn đầu tư 02 dự án tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất lên đến trên 112.000 tỷ đồng. (Ảnh internet). |
Nan giải khiếu kiện môi trường
Bên cạnh những vướng mắc trên, dự án thép Hòa Phát Dung Quất cũng gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến môi trường. Vào tháng 10/2019, khi dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát triển khai hoạt động, thì dự án Hòa Phát Dung Quất mở rộng đã tổ chức kiểm kê và tiến hành bồi thường một phần diện tích đất nông nghiệp. Có khoảng 335 hộ đã thực hiện kiểm kê nhà cửa, vật kiến trúc và phải di chuyển chỗ ở nhưng chưa được bồi thường.
Theo phản ánh của người dân, việc vận hành Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã gây ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư về tiếng ồn, bụi, mùi hôi. Đồng thời, tại khu vực dự án mở rộng, dù một số diện tích đất nông nghiệp của người dân chưa được bồi thường nhưng chủ đầu tư đã cho thi công, san ủi quanh một số phần mộ thân nhân, nhà cửa, vật kiến trúc của người dân...
Hoạt động thi công này cũng tàn phá nhiều tuyến đường dân sinh tại địa phương. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn khoan nổ mìn tại mỏ đá Đồi Sáo, ảnh hưởng tới nhà dân. “Những sự việc trên đã gây bức xúc lớn trong nhân dân” – một lãnh đạo chính quyền xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) xác nhận.
Căng thẳng lên cao khi trong khoảng từ tháng 8/2019 đến tháng 10/2019, người dân đã nhiều lần kéo tới trụ sở chủ đầu tư đề nghị giải quyết. Trong thẩm quyền của mình, UBND xã Bình Thuận đã phải kiến nghị BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và Công ty Thép Hòa Phát giải quyết các yêu cầu của người dân nêu.
Đồng thời, trong nhiều văn bản, chính Hòa Phát Dùng Quất cũng báo cáo, việc GPMB khu mở rộng đang rất khó khăn (trong đó có việc di dời mộ), ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ dự án. Bởi theo chủ trương của tỉnh tại văn bản ngày 18/4/2018, thì việc bồi thường, GPMB khu này phải hoàn thành trong quý 1/2019.
Theo thống kê, trong khu vực dự án, dự kiến phải di dời khoảng hơn 3.800 ngôi mộ (khu 115ha có khoảng 600, dự án Bến cảng tổng hợp khoảng 173 và còn lại là dự án Khu hậu cần cảng). Trong đó, cấp bách hơn cả là cần bố trí mặt bằng nghĩa trang để di dời khoảng 600 ngôi mộ (khu 115ha) trước mùa mưa theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, tới 30/9/2019, vẫn chưa có mặt bằng để di dời, điều này đã tiếp tục gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án.
Nhu vầu vốn đầu tư rất lớn, "kẹt" trong GPMB, tái định cư, nguy cơ ô nhiễm môi trường....là những khó khăn 2 siêu dự án của Hòa Phát tại Dung Quất đang gặp phải. Với những vấn đề từ dự án cùng ngành trước đó đã gặp phải, hi vọng Hòa Phát và tỉnh Quảng Ngãi sẽ xử lý êm đẹp các khó khăn này.
Cần lưu ý là, bất kể chủ đầu tư và chính quyền cam kết, công bố thế nào, các dự án sản xuất thép hiếm khi thuyết phục được sự tin tưởng của công chúng về bảo đảm môi trường. Đó là vấn đề mà Hòa Phát sẽ phải đối diện, trong suốt vòng đời 2 siêu dự án này.