Thay xương đùi cho bệnh nhi ung thư nhỏ tuổi nhất Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Mới 11 tuổi bị ung thư xương phải cắt bỏ toàn bộ xương đùi, bệnh nhi đã may mắn không phải tàn phế nhờ được thay toàn bộ xương đùi bằng titan. Đây là ca mổ thay xương đùi có bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam, nhỏ tuổi thứ 2 trên thế giới.

Không chỉ đe dọa tính mạng mà còn gây tàn phế

Ngày 22/2, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay thế toàn bộ xương đùi cho bệnh nhân chỉ mới 11 tuổi. Bệnh nhân Q.A. được chẩn đoán ung thư xương, phải cắt bỏ toàn bộ xương đùi bên phải để bệnh không tiến triển nặng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ tàn phế, ngồi xe lăn suốt đời.

Với mong muốn tha thiết gia đình, GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc cùng các chuyên gia tại Trung tâm Phẫu thuật Khớp - Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã quyết định thay mới toàn bộ phần xương đùi bị loại bỏ cho bệnh nhân bằng xương đùi nhân tạo titan.

Hình ảnh khối u khổng lồ "ăn" hết phần xương đùi bên phải của bệnh nhân.

Hình ảnh khối u khổng lồ "ăn" hết phần xương đùi bên phải của bệnh nhân.

Trải qua 3 tiếng phẫu thuật ca mổ cũng đã thành công tốt đẹp. Nhờ sự hỗ trợ định vị của robot Pheno Artis, chức năng, chiều dài và hình thể 2 bên chân của bệnh nhân sau mổ là tương đương nhau. Được biết, đây là ca thay toàn bộ xương đùi thứ 3 ở Việt Nam và là ca thứ 2 thay toàn bộ xương đùi do ung thư. Đặc biệt, đây là ca mổ thay xương đùi có bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam, nhỏ tuổi thứ 2 trên thế giới (năm 2010 có 1 bệnh nhân 10 tuổi ở Ai Cập).

GS.TS Trần Trung Dũng cho biết, nếu diễn biến hậu phẫu thuận lợi thì chỉ sau 2 ngày nữa bệnh nhân có thể tập đi với dụng cụ hỗ trợ.

Theo GS.TS Trần Trung Dũng, ung thư xương là loại ung thư liên kết từ 3 loại tế bào: Tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn và tế bào liên kết của mô xương. Ung thư xương được chia làm hai loại: ung thư xương nguyên phát và ung thư xương thứ phát (di căn đến xương). Ung thư nguyên phát là loại bệnh nghiêm trọng nhất. Khối u ác tính hình thành trực tiếp trong xương hoặc mô xung quanh, chẳng hạn như sụn. Bệnh thường xảy ra nhất ở tuổi vị thành niên 9-19 tuổi và người trẻ dưới 30 tuổi, nhưng khoảng 10% các trường hợp mắc ung thư phát triển ở những người trong độ tuổi 60 – 70. Những khối u xương thường xuất hiện ở xương tay, xương chân hoặc xương chậu. 

Hình ảnh X-quang trước khi mổ.

Hình ảnh X-quang trước khi mổ.

Phát hiện và điều trị sớm có thể bảo tồn chi thể

GS.TS Trần Trung Dũng cho biết, hiện nguyên nhân của ung thư trong xương chưa được xác định chính xác, nhưng có một số yếu tố nhất định có thể góp phần gây ra hoặc làm tăng khả năng hình thành các khối u phát triển bất thường trong xương của một người: do di truyền (có tiền sử gia đình bị ung thư, đặc biệt là ung thư liên quan đến xương hoặc sụn; Đã từng được điều trị hoặc xạ trị trong quá khứ; Bệnh Paget: là một tình trạng khiến xương bị gãy và sau đó phát triển trở lại bất thường; Hiện tại hoặc trước đây có nhiều khối u trong sụn, là mô liên kết trong xương.

Ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Lứa tuổi nào cũng có thể bị ung thư xương, vì vậy, khi thấy bất kỳ dấu hiệu đau mỏi, sưng tấy xương khớp nào cũng cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư. Bởi ở giai đoạn đầu, các triệu chứng không biểu hiện rõ rệt, người bệnh thường không chú ý và dễ bỏ qua như: đau mỏi chân tay, xương có cảm giác đau và vận động yếu hơn. Khi khối u tiến triển lớn dần lên, các triệu chứng cũng thay đổi theo tốc độ phát triển của khối u. Người bệnh có thể có cảm giác đau xương tăng dần, đau liên tục, đau lan sang cả các vùng lân cận; Vị trí đau xương có dấu hiệu sưng tấy; Luôn cảm thấy mệt mỏi, có thể kèm theo sốt nhẹ; Giảm cân không rõ nguyên nhân; Xương dễ gãy; Sờ thấy khối hạch cứng, rắn chắc trong xương dài của các chi. Khi khối u ung thư phát triển, người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng như đau, viêm khớp, loãng xương hoặc chấn thương có thể “bắt chước” nhiều triệu chứng.

Ung thư xương thường được xếp ở mức độ nguy hiểm cao. Tỷ lệ cắt cụt chi trong ung thư xương khá cao nhằm loại bỏ tận gốc khối u, tránh di căn và tái phát sau này. 

Phát hiện sớm và điều trị triệt để ung thư xương bằng cách hóa trị, cắt bỏ tổ chức ung thư xương kết hợp với việc thay khớp, thay xương nhân tạo để phục hồi chức năng vận động của khớp giúp bệnh nhân thoát cảnh tật nguyền vì cắt bỏ chi thể. Đây là một kỹ thuật phẫu thuật rất khó vì tổn thương mất xương rộng, các mốc giải phẫu không còn đầy đủ. Do đó, phẫu thuật này chỉ được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao và dày dặn kinh nghiệm. 

Theo Đời sống
back to top