<div> <p style="text-align: justify;">TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính lưu ý, việc thay đổi nguyện vọng phải có chiến lược rõ ràng và phải ghi nhớ cẩn thận. Tránh tình trạng thí sinh đăng ký rồi nhưng không vào website của trường để xem kết quả nên không biết mình đỗ vào đâu.</p> <p style="text-align: justify;">TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Ở thời điểm này, thí sinh đã biết điểm thi, biết tương quan điểm của mình với những người cùng dự tuyển.</p> <p style="text-align: justify;">Các em chỉ cần xem, hiện nay có những trường nào, ở khu vực nào đang đào tạo ngành mà mình thích. Dựa vào đó, các em sẽ đưa ra sự lựa chọn về trường đào tạo những ngành mà mình yêu thích nhưng điều quan trọng là phải phù hợp với điều kiện và mức điểm mà mình đang có. Không thể điểm chỉ ở mức trung bình nhưng lại chọn trường có mức điểm chuẩn hằng năm rất cao.</p> <p style="text-align: justify;">Sau khi chọn được trường và ngành, các em nên xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 cho đến hết. Nếu như ngành nghề theo thứ tự ưu tiên đã đúng rồi thì các em chỉ cần ngồi đợi kết quả. Bởi vì cơ chế tuyển sinh sẽ xét theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng 1. Nếu không trúng nguyện vọng 1, sẽ chuyển xuống nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3… Các nguyện vọng này do chính các em đã lựa chọn theo thứ tự ưu tiên.</p> <p style="text-align: justify;">Khi xét tuyển thì tất cả các nguyện vọng đều bình đẳng với nhau về điểm số. Vì vậy, các em không quá lo lắng khi thay đổi nguyện vọng. Quan trọng là chúng ta có chọn được ngành học, trường học phù hợp hay không; có xếp được thứ tự ưu tiên đúng hay không".</p> </div>