Những gói thầu “khủng”
Giống như nhiều đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Bắc Ninh có trách nhiệm bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước và các nguồn vốn khác trong quá trình quản lý, nâng cấp vận hành lưới điện. Để sử dụng các nguồn kinh phí này đạt hiệu quả về tính tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí, hàng năm Công ty Điện lực Bắc Ninh phải tổ chức triển khai hàng trăm gói thầu thuộc các dự án khác nhau. Chỉ tính riêng từ tháng 1/2018 đến nay, PC Bắc Ninh đã tổ chức thực hiện ít nhất 150 gói thầu, trong đó có những gói thầu lên đến vài chục tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 6/8/2018, Công ty Điện lực Bắc Ninh ban hành Quyết định số 1905/QĐ-PCBN phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho Dự án Đấu thầu tập trung các công trình thuộc kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2018 (tháng 5). Tổng dự toán là 27.023.148.995 đồng. Dự án sử dụng nguồn vốn tín dụng thương mại và khấu hao cơ bản của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc. Theo kế hoạch, có 3 gói thầu thuộc dự án này được triển khai, trong đó gói có giá trị lớn nhất là Mua sắm MBA và tủ điện. Mức giá được xác định là 22.327.548.074 đồng.
Tương tự, ngày 16/1/2019, Công ty Điện lực Bắc Ninh ra Quyết định số 256/QĐ-PCBN phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho Dự án Đấu thầu tập trung các công trình đầu tư xây dựng năm 2019. Dự án này có tổng mức đầu tư là 134.998.362.139 đồng với trên 10 gói thầu được tổ chức triển vào các thời điểm khác nhau, trong đó gói thầu số 9-T1-2019: Mua sắm máy biến áp có giá trị lớn nhất là 28.905.869.545 đồng. Dự án này cũng sử dụng nguồn vốn tín dụng thương mại và khấu hao cơ bản của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Hay gói thầu số 10-T1-2019: Mua sắm tủ điện với mức giá được xác định là 19.880.787.972 đồng cũng là một trong số những gói thầu giá trị lớn của dự án.
Từ những kế hoạch trên, hàng năm tại Công ty Điện lực Bắc Ninh có hàng trăm gói thầu được tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, tìm hiểu PV được biết, thời gian qua, tại những gói thầu này đã xuất hiện nhiều nhà thầu “thân quen” với tần suất trúng thầu dày đặc, trong đó có nhiều gói thầu trúng sát giá, bằng giá khiến dư luận hồ nghi.
Nhà thầu “thân”?
Trong số những nhà thầu "quen mặt", trúng nhiều gói thầu tại Công ty Điện lực Bắc Ninh thì nổi bật lên là Công ty CP Bê tông Anh Dũng. Doanh nghiệp này có địa chỉ tại Khu công nghiệp Hạp Lĩnh, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh. Ngành nghề kinh doanh chính là: Sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao; sản xuất cột điện, ống cống; sản xuất và kinh doanh cấu kiện bê tông đúc sẵn. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Văn Hải, chức danh: Giám đốc.
Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu |
Tính từ tháng 1/2018 đến nay, nhà thầu Anh Dũng trúng ít nhất 10 gói thầu tại Công ty Điện lực Bắc Ninh. Đáng chú ý, trong số này có nhiều gói thầu trúng ở mức sát giá (tiết kiệm thấp) và trúng bằng giá (mức tiết kiệm 0 đồng). Đơn cử, ngày 28/5/2018, bằng Quyết định phê duyệt số 1266/QĐ-PCBN, Công ty Điện lực Bắc Ninh lựa chọn nhà thầu Anh Dũng cho gói thầu Mua sắm hộp chia điện, hộp công tơ DM SCL 2018: ĐZ 0,4kV sau các trạm biến áp Tiền An 3, Tiền An 9, Vườn Hoa, Khu Hòa Đình 2, Châm Khê 1,2,3,4, 5 – TPBN. HM: Sửa chữa hệ thống đo đếm. Gói thầu này có giá là 818.235.000 đồng. Giá trúng thầu vẫn là 818.235.000 đồng. Như vậy, không một đồng vốn nào được tiết kiệm ở gói thầu này.
Vẫn là Công ty CP Bê tông Anh Dũng, ngày 08/03/2019, nhà thầu này được Công ty Điện lực Bắc Ninh lựa chọn là đợn vị thắng thầu ở gói số 6: Mua sắm cột điện phục vụ các danh mục sửa chữa lớn năm 2019 khu vực Thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, thuộc Dự án Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các danh mục sửa chữa lớn năm 2019 (giai đoạn 1). Giá gói thầu là 224.914.932 đồng, giá trúng thầu là 224.466.000 đồng. Gói thầu này có mức tiết kiệm "siêu thấp”, chỉ đạt khoảng 500.000 đồng.
Sau đó không lâu, nhà thầu Anh Dũng tiếp tục “kịch bản” trúng thầu sát giá khi trúng ở gói thầu số 7: Mua sắm cột điện phục vụ các danh mục sửa chữa lớn năm 2019 khu vực thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ – tỉnh Bắc Ninh, thuộc Dự án Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các danh mục sửa chữa lớn năm 2019 (giai đoạn 3). Gói thầu này có giá là 559.410.588 đồng, giá trúng thầu là 558.294.000 đồng. Mức tiết kiệm của gói thầu này chỉ đạt trên 1 triệu đồng. Thể hiện tại Quyết định phê duyệt số 947/QĐ-PCBN ngày 22/03/2019…
Tiếp tục tìm hiểu, PV nhận thấy việc trúng thầu sát giá của nhà thầu Anh Dũng đã diễn ra từ trước đó khá lâu. Cụ thể, ngày 16/3/2018, nhà thầu Anh Dũng đã trúng gói thầu Mua sắm hòm công tơ và bộ chia điện phục vụ sản xuất kinh doanh bổ sung quý 1-2018. Gói thầu này có giá là 1.416.438.100 đồng, giá trúng thầu là 1.411.547.500 đồng. Thật ngạc nhiên khi một gói thầu giá trị gần 1,5 tỷ đồng, nhưng mức tiết kiệm chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng?
Chia sẻ với phóng viên, các chuyên gia về đấu thầu phân tích, để nhắm tới đích hiệu quả kinh tế giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong hoạt động đấu thầu, thì chủ đầu tư/bên mời thầu cần phải đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch. Và tất nhiên, để làm được điều này, tính phải thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Với những nhà thầu bản địa, vì là đơn vị có ưu thế về nguồn nguyên vật liệu, nhân công tại chỗ, am hiểu địa hình nên theo lẽ thường, những gói thầu họ tham gia phải có mức tiết kiệm cao. Tuy nhiên, việc một nhà thầu trúng liên tiếp nhiều gói thầu, đặc biệt lại trúng bằng giá, sát giá thì đây là dấu hiệu bất thường, cần phải kiểm tra, giám sát.