<div> <p style="text-align: justify;">Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Takeba Akira - Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản khẳng định: Việc làm sạch sông Tô Lịch bằng việc tiếp nhận nước từ Hồ Tây chỉ có hiệu quả nếu như dòng sông đã được làm sạch toàn bộ môi trường của bản thân nó (như làm sạch mùi, xử lý bùn và làm sạch chất lượng nước). Do vậy, việc xả hơn 1 triệu m3 nước vào sông Tô Lịch hiện nay chưa có ý nghĩa lâu dài.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic" style="text-align: justify;"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/07/13/68b253926fdd452fa5b88c62ae4ae023.jpeg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption" style="text-align: justify;"><em>Chỉ trong vòng hai ngày 9 và 10/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">"Hiện nay, sông Tô Lịch không có nguồn nước cấp, tốc độ dòng chảy chủ yếu do đang phải tiếp nhận 280 cống nước thải, nước mặt thì không còn gọi là con sông nữa. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương sau khi chúng ta làm sạch ô nhiễm bên trong sông, sau đó sông Tô Lịch mới tiếp nhận nước để tăng lượng nước cấp bổ sung và tạo dòng chảy, nâng mực nước lên... qua đó giúp dòng sông chết này được hồi sinh”, Tiến sĩ Takeba Akira nói.</p> <figure style="text-align: justify;"> <figcaption style="text-align: center;"> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic" style="text-align: justify;"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/07/13/21385c98e5754734a71239aba9c62a47.jpeg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption" style="text-align: justify;"> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;"><em>Tiến sĩ Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản. </em></p> </figcaption> </figure> <p style="text-align: justify;">Cùng quan điểm với Tiến sĩ Takeba Akira, GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn – Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho rằng: "Không chỉ riêng những người nghiên cứu mà mọi người đều mong muốn sông Tô Lịch trở lại sạch đẹp, là một dòng sông du lịch để người dân có thể đi thuyền ngắm cảnh.</p> <p style="text-align: justify;">Nếu dùng nước từ các dòng sông khác thau rửa sông Tô Lịch, chúng ta đang có giải pháp đưa nhiều nước sông Hồng vào. Nhưng mùa cạn, chúng ta không thể thực hiện được công tác này. Theo quan điểm cá nhân tôi, việc thau rửa sông Tô Lịch chỉ có hiệu quả khi chúng ta đã xử lý ô nhiễm triệt để cho nó trước, nếu không sẽ không có giá trị”.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic" style="text-align: justify;"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/07/13/472a0d57f71f47c58cbda686af7e2741(1).jpeg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption" style="text-align: justify;"><em>GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn cho rằng, việc thau rửa sông Tô Lịch chỉ có hiệu quả khi chúng ta đã xử lý ô nhiễm triệt để cho nó trước, nếu không sẽ không có giá trị.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Trong khi đó, trao đổi với PV Infonet về vấn đề nước Hồ Tây đang xả sang sông Tô Lịch có ảnh hưởng đến kết quả thí điểm làm sạch sông này theo công nghệ của Nhật Bản hay không? Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) cho hay: "Việc Công ty thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch để phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định là chủ trương của thành phố.</p> <p style="text-align: justify;">Tuy nhiên, liên quan đến công tác lấy mẫu sau 2 tháng thí điểm làm sạch (ngày 17/7), chúng tôi phải đảm bảo việc lấy mẫu đều phải trong trạng thái bình thường của dòng sông (hiện trạng không xả nước Hồ Tây vào-PV). Nếu nước sông Tô Lịch chưa trở về trạng thái nước chưa xử lý ban đầu thì chúng tôi sẽ phải dịch chuyển ngày lấy mẫu nước để đảm bảo khách quan".</p> </div>