“Thất lạc kết nối vì đại dịch”: Một tuần không điện thoại… bạn đi rồi!

Covid-19 khiến người nhiễm và tử vong tăng cao. Giãn cách xã hội cần thiết nhưng dẫn đến “thất lạc kết nối”, gây ra nhiều rối loạn tâm lý.

Thời khắc gian nan khi cách ly điều trị, giãn cách xã hội

Bà Nguyễn Thị L.P. (70 tuổi, Nha Trang) cho biết, bạn của bà sống một mình. Nhà anh trai cách mấy khu phố. Mấy đứa cháu ở nước ngoài. “Suốt mấy tháng dịch, thỉnh thoảng hai bạn già gọi nhau hỏi thăm. Mấy hôm tôi bị rối loạn tiền đình, nằm bẹp một chỗ, không liên lạc với ai. Đến khi khỏe lại mới hay tin, bạn đi rồi”, bà L.P. chia sẻ.

ket-noi.jpg
"Con cháu đang chờ mong mẹ, mẹ ơi mẹ cố lên... " Chị Tiên đã kết nối với mẹ - một bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại ICU trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Dã chiến 16 (TPHCM) Ảnh tư liệu

Còn chị Võ Thị T.H. (35 tuổi, quận 7, TPHCM) khắc khoải, trong thời điểm dịch bệnh: “Bác em bị Covid-19. Cả nhà chỉ biết bác được chuyển đi khu tầng 4 - hồi sức tích cực do suy hô hấp. Nhiều ngày, không ai liên hệ được để hỏi thăm tình hình”.

Hotline ICU trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Dã chiến 16 (TPHCM), từng nhận được một tin nhắn thật đặc biệt: “Hôm nay là sinh nhật mẹ em, ngày 15/9. Nếu có thể, anh/chị gửi lời giùm em là con chúc mẹ sinh nhật vui vẻ, mau hết bệnh về với con cháu đang chờ mong mẹ, mẹ ơi mẹ cố lên!”.

Đó là tâm tư của gia đình chị Tiên - con gái của bệnh nhân Trần Thị T., lúc đó đang điều trị tại ICU Hồi sức 2 Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Dã chiến 16. Từ ngày mẹ nhập viện, chị và gia đình đã không gọi điện liên lạc được với mẹ, chỉ biết thông tin bệnh tình của mẹ qua số điện thoại của nhân viên trực hotline hàng ngày thông báo về.

Đó chỉ là một vài trong hàng ngàn câu chuyện thất lạc kết nối trong những thời khắc gian nan nhất bị cách ly điều trị, giãn cách xã hội trong dịch bệnh. Người với người, cộng đồng với cộng đồng phải giữ khoảng cách, ở yên trong nhà…

ket-noi-yeu-thuong.jpg
Những cuộc gọi từ buồng bệnh nguy kịch của bác sĩ kết nối với người thân của họ qua điện thoại chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh để người bệnh mau chóng bình phục trở về với gia đình, với người thân đang chờ. Ảnh tư liệu

Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra đại dịch Covid-19 đã làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần, bao gồm trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu và tự sát.

Ngoài các vấn đề tâm lý do bệnh tật, mất mát người thân... việc cách ly/giãn cách cũng làm gia tăng rối loạn tâm lý do bị cô lập với xã hội, mất việc làm, trẻ em không được đến trường, khủng hoảng tài chính, thiếu giao tiếp, chia sẻ và khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.

Có lẽ mỗi bệnh nhân sau khi trở về từ cõi chết đều sẽ rất… sợ chết. Hơn ai hết, họ hiểu được cảm giác đứng giữa ranh giới sống và chết là như thế nào. Vì vậy, những cuộc gọi từ buồng bệnh nguy kịch của bác sĩ kết nối với người thân của họ qua điện thoại chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh để người bệnh mau chóng bình phục trở về với gia đình, với người thân đang chờ.

BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. 

Thiếu kết nối làm tăng thêm các nỗi bất an

Theo ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng, giảng viên Khoa Công tác Xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), cách ly/giãn cách xã hội trong thời gian dài cũng đưa tới các rối loạn về tâm lý.

Theo một nghiên cứu so sánh các triệu chứng stress hậu sang chấn ở những cha mẹ và con cái bị cách ly cho thấy, điểm số stress hậu sang chấn ở trẻ bị cách ly cao hơn gấp 4 lần ở trẻ không bị cách ly. Trong khi đó, 28% cha mẹ bị cách ly có đầy đủ các triệu chứng rối loạn tâm thần liên quan đến sang chấn và chỉ có 6% cha mẹ không bị cách ly có dấu hiệu rối loạn tâm thần.

Trẻ em và người cao tuổi là nhóm dễ bị tác động tâm lý nhiều nhất do thiếu sự kết nối xã hội. Trường học đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến và thiếu các hoạt động xã hội trong thời gian dài sẽ tác động đến nhận thức, giáo dục, cảm xúc, hành vi và cảm nhận hạnh phúc xã hội của các em.

khong-lac-mat-nhau.jpg
Với người cao tuổi, việc đối mặt với nguy cơ tử vong cao cùng sự mất kết nối với xã hội là yếu tố làm tăng tỉ lệ trầm cảm và lo âu. Ảnh tư liệu

Với người cao tuổi, việc đối mặt với nguy cơ tử vong cao cùng sự mất kết nối với xã hội là yếu tố làm tăng tỉ lệ trầm cảm và lo âu. Bất kỳ ai có các tổn thương về tâm thần và thể chất từ trước đều dễ bị những rối loạn tâm lý do thiếu sự kết nối xã hội.

BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, nhớ lại, dù đã thoát "cửa tử", nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn lo sợ mình có thể ra đi bất cứ lúc nào mà không thể liên lạc với người thân.

Hiện nay, F0 có thể được cách ly điều trị tại nhà để người dân yên tâm hơn với sự chăm sóc, yêu thương của gia đình; không cảm thấy cô đơn, lo sợ và bất an.

Theo Đời sống
back to top