Tháo xoắn cho buồng trứng và tử cung tím đen
Ngày 8/3, bé Trần N.T. (SN 2008, Hà Nội) đã được ra viện sau 3 ngày mổ tháo xoắn buồng trứng. ThS.BSCKII Trương Minh Phương, Phó Trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bé được chuyển tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngày 5/3 vì nghi ngờ u phần phụ, chưa loại trừ viêm ruột thừa. Người nhà bé cho biết, bé đang chơi đùa cùng bạn chiều 4/3 thì xuất hiện cơn đau bụng vùng hố chậu. Cơn đau ngày càng tăng nhưng đến tối lại dịu đi và sáng hôm sau đau lại.
Kết quả thăm khám, T. được chẩn đoán xoắn phần phụ và được phẫu thuật nội soi cấp cứu. Ghi nhận trong phẫu thuật, em bị xoắn toàn bộ phần phụ bên phải 3 vòng, buồng trứng và vòi tử cung tím đen bắt đầu có dấu hiệu hoại tử. Nếu cắt 1 bên phần phụ sẽ ảnh hưởng tới sinh sản cũng như nội tiết về sau, các bác sĩ quyết định thận trọng tháo xoắn. Rất may mắn, sau khi tháo xoắn hoàn toàn được 10 phút, phần phụ của em hồng trở lại.
Theo ThS.BSCKII Trương Minh Phương, xoắn phần phụ ở bé gái sắp dậy thì là 1 bệnh lý xuất hiện tự nhiên, có thể gặp ở trẻ từ 8 đến 16 tuổi, do buồng trứng của các bé bắt đầu hoạt động dẫn đến tăng kính thước và trọng lượng, giống như quả chùy, cùng với việc chạy nhảy chơi đùa của trẻ, cộng thêm nhu động ruột khiến cả phần phụ bị xoắn, gây nên bệnh cảnh xoắn phần phụ như trên. Đây là bệnh lý xuất hiện tự nhiên, nếu can thiệp muộn, phần phụ bị hoại tử dẫn đến phải cắt cả phần phụ. Nếu can thiệp sớm, kịp thời, trẻ sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại bất kỳ một di chứng nào về sau.
Người có u buồng trứng nên cẩn thận
Theo BS Lê Hồng Vân, Khoa Chẩn đoán chức năng Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, xoắn buồng trứng (xoắn phần phụ) là môt bệnh lý phổ biến thứ 5 trong các cấp cứu phụ khoa, xảy ra khi một buồng trứng xoắn xung quanh các dây chằng giữ nó tại chỗ. Tình trạng này có thể gây cắt đứt đột ngột lưu lượng máu đến buồng trứng, vòi trứng hoặc cả 2 thành phần này. Biến chứng nguy hiểm khi không thể tự tháo xoắn là hoại tử buồng trứng, hay muộn hơn nữa là áp xe vùng chậu hông hay viêm phúc mạc.
Xoắn buồng trứng xảy ra chủ yếu với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tuy nhiên bệnh có thể xuất hiện ở cả phụ nữ mãn kinh, trẻ em thậm chí là trẻ sơ sinh. Yếu tố nguy cơ cao nhất của xoắn là những bệnh nhân có khối u nang buồng trứng: U nang bì (u quái), u nang đơn thuần, u nang xuất huyết, kích thước u càng lớn, nguy cơ càng cao. Bệnh nhân nữ được kích thích buồng trứng để tạo trứng rụng trong hỗ trợ sinh sản có nguy cơ xoắn buồng trứng cao hơn so với các phụ nữ có buồng trứng bình thường. Bên cạnh đó, bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật ở vùng tiểu khung, chậu hông cũng có nguy cơ xoắn buồng trứng. Các thay đổi áp lực ổ bụng đột ngột như ho, nôn, vận động mạnh có thể là một yếu tố khởi phát một tình trạng xoắn buồng trứng.
Xoắn buồng trứng có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng và đa dạng phụ thuộc vào thời gian, vị trí, mức độ và tần suất xoắn. Biểu hiện thường là: Cơn đau dữ dội và bất ngờ ở vùng chậu, thường là ở bên phải, đau thường liên tục hoặc đôi khi là từng cơn. Triệu chứng đau thường không đỡ khi dùng các loại thuốc giảm đau thông thường. Trong các trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi.
Nôn và buồn nôn gặp trong 47 - 70% trường hợp, thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý của một số cơ quan của ống tiêu hóa như dạ dày, đại tràng, thực quản hoặc tiết niệu như sỏi niệu quản, nhiễm trùng tiết niệu gây tiểu rắt, tiểu khó, táo bón, phù 2 chi dưới. Sốt, thường vào giai đoạn muộn.
Phẫu thuật là cách điều trị duy nhất đối với xoắn buồng trứng. Việc phẫu thuật thường được khuyến cáo thực hiện càng nhanh càng tốt (tốt nhất trước 6 giờ đồng hồ) để khôi phục lưu lượng máu cho buồng trứng. Lý tưởng nhất là phẫu thuật nội soi để xác định vị trí và tháo xoắn. Đôi khi buồng trứng không được bộc lộ đủ tốt sẽ cần phẫu thuật mở. Bác sĩ vẫn cần theo dõi khả năng phục hồi và “sống” của buồng trứng sau khi đã phẫu thuật, nếu có dấu hiệu của mô đã hoại tử có thể phải loại bỏ buồng trứng vài ngày sau đó. Đối với những xoắn thời gian dài, phát hiện muộn, buồng trứng đã bị thiếu máu và hoại tử, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật loại bỏ buồng trứng.
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, không có biện pháp nào hiệu quả trong việc phòng ngừa xoắn buồng trứng. Vì vậy, tất cả phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám phụ khoa ít nhất 6 tháng/ lần để phát hiện kịp thời các bất thường nếu có. Đặc biệt, khi thấy một cơn đau đột ngột vùng chậu thì cần phải đi viện ngay. Thời gian là vàng” trong cấp cứu xoắn buồng trứng để tránh biến chứng đáng tiếc phải cắt bỏ buồng trứng.