Tháo gỡ vướng mắc dự án cao tốc Bắc - Nam

Ngày 30/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) và dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Thanh Hóa).

Tháo gỡ vướng mắc dự án cao tốc Bắc - Nam ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận hội nghị. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Đây là 2 trong số 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 654 km, đi qua địa bàn 13 tỉnh, thành phố.
Sau khi kiểm tra thực địa 2 đoạn cao tốc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thị sát hầm đường bộ Tam Điệp thuộc dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45. Hầm trái tuyến dài 245m đã được đào xuyên thông qua dãy núi Tam Điệp (đèo Tam Điệp), còn lại hầm phải tuyến phấn đấu sẽ xuyên thông qua núi vào ngày 15/7 tới đây.
Ngay sau khi kiểm tra thực địa, tại trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai các dự án trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, với sự tham gia của lãnh đạo một số Bộ, ngành, 13 địa phương mà tuyến cao tốc đi qua, các doanh nghiệp, nhà thầu và đơn vị thi công.
Khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu xây dựng
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm: 11 dự án thành phần. Hiện 7 dự án thành phần đã khởi công xây dựng gồm: 3 dự án đầu tư công thực hiện theo Nghị quyết 52 của Quốc hội (Cao Bồ-Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2); 3 dự án chuyển hình thức đầu tư công theo Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội (Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) và một dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Diễn Châu - Bãi Vọt). Đối với 7 đoạn tuyến đang triển khai thi công, khối lượng thực hiện hoàn thành đạt 16,6% tính theo giá trị hợp đồng và 4 dự án còn lại dự kiến sẽ khởi công trong quý 3/2021. 
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công dự án gặp một số vướng mắc, vẫn còn 2,2% chiều dài tuyến chưa bàn giao mặt bằng và khoảng 50% khối lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời.

Về nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ thi công dự án, Chính phủ đã có Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án.

Nghị quyết đã tháo gỡ được vướng mắc về thủ tục nâng công suất khai thác mỏ vật liệu, cho phép chỉ định cho nhà đầu tư, nhà thầu của dự án (không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản), rút ngắn được thời gian cấp phép khai thác từ 3 - 6 tháng.

Tuy nhiên, thủ tục cấp giấy phép khai thác còn kéo dài. Hiện nay, 2/7 dự án thành phần đã khởi công gặp vướng mắc về thiếu bãi đổ thải và không đáp ứng yêu cầu thực tế của dự án.
Theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu), trong thời gian gần đây, đơn giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu trên thị trường tăng cao, đặc biệt là giá thép xây dựng tăng đột biến đã gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.
Bên cạnh đó, một vướng mắc đang trở thành vấn đề đáng quan tâm tại nhiều dự án thành phần khác của cao tốc Bắc – Nam chính là thiếu vật liệu nền. Tổng nhu cầu sử dụng đất đắp của dự án rất lớn, nhưng việc cấp phép và khai thác các mỏ nguyên vật liệu trong khu vực của các địa phương còn gặp khó khăn.

Vấn đề này đã bộc lộ từ khá lâu, nhưng vẫn chưa được khắc phục dù Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần chỉ đạo các địa phương và nhà thầu phải xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.
Hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng

Tháo gỡ vướng mắc dự án cao tốc Bắc - Nam ảnh 2Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, 13 địa phương mà tuyến cao tốc đi qua, các doanh nghiệp, nhà thầu, đơn vị thi công dự án tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xóa đói giảm nghèo. Qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều Nghị quyết, Kết luận về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều quy định, dành nhiều nguồn lực và các ưu tiên trong chỉ đạo điều hành nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Hiện nay, trên cả nước đang triển khai 17 đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài 916 km; trong đó 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 654 km. Khi hoàn thành, hệ thống đường cao tốc của cả nước sẽ có chiều dài trên 2.000 km, góp phần kết nối đồng bộ các vùng miền, Trung tâm kinh tế lớn, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, hiện nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Đông như: Kinh phí ngân sách đã bố trí đủ, ; hồ sơ thiết kế xây dựng, triển khai các thủ tục đầu tư và cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 654 km cao tốc (giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 4.824/4.927 ha cần giải tỏa, đạt tỷ lệ 97,9%).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy xuất hiện một số khó khăn bởi dịch COVID-19, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, việc cấp phép, khai thác các mỏ cung cấp vật liệu xây dựng còn bất cập và chưa đáp ứng như cầu...
"Thuận lợi lớn, nhưng khó khăn không nhỏ và không giải quyết khó khăn thì thời cơ cũng mất, nếu bỏ lỡ cơ hội thì rất lãng phí các điều kiện thuận lợi" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nêu vấn đề, hiện nay đang có một nghịch lý là nguồn vốn có, công trình mang tầm quốc gia, được nhân dân mong chờ, nhưng tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông lại chậm. Do vậy, đến ngày 30/7, các địa phương phải tập trung hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu, đơn vị thi công.
Để thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình triển khai các đoạn cao tốc và có giải pháp cụ thể trong phối hợp, giải quyết vướng mắc, Phó Thủ tướng thống nhất sẽ chủ trì giao ban 1 lần/tháng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Bộ Giao thông Vận tải giao ban 1 lần/tuần để báo cáo với Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn thực hiện, triển khai hoạt động các Đoàn kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 "Về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập các Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra, rà soát việc cấp phép và khai thác mỏ vật liệu ở các địa phương, yêu cầu xử lý thật nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm, trục lợi, găm hàng, ép giá./.

Theo bnews.vn
back to top