Thảo dược giúp mát gan

(khoahocdoisong.vn) - Nóng gan, gan nhiễm độc đang có xu hướng gia tăng ở cả trẻ nhỏ, người trưởng thành lẫn người già. Dưới đây là các loại thảo dược giúp mát gan.

Nóng gan, gan nhiễm độc đang có xu hướng gia tăng ở cả trẻ nhỏ, người trưởng thành lẫn người già. Dưới đây là các loại thảo dược giúp mát gan.

Bồ công anh: Theo y học cổ truyền, bồ công anh có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tán kết. Bồ công anh rất tốt cho gan mật nhờ vai trò kiểm soát được lượng mỡ vào cơ thể và tăng cường chức năng thải độc của gan, nhờ vậy rất có ích cho các bệnh nhân gan mật.

Artisô: Được coi là "thần dược" đối với bệnh gan vì nó làm sạch các độc tố trong gan. Artisô làm cho da mịn màng và trở nên tươi sáng hơn do nó có tác dụng làm mát gan, giải nhiệt, thải độc tố, giúp da ít bị mụn và khô ráp.

Bồ bồ: Theo y học cổ truyền cây nhân trần nam còn gọi là bồ bồ, có tên khoa học là Adenosma Indianum, có tác dụng làm tăng tiết mật, tăng thải độc của gan.

Bên cạnh việc làm mát gan bằng các thảo dược nêu trên, để giữ cho gan khỏe nên tránh:

Rượu, bia: Rượu là loại thức uống có cồn và được hấp thụ trực tiếp vào máu chứ không cần phải thông qua quá trình tiêu hóa như các loại thức ăn khác. Chính vì vậy, uống càng nhiều rượu càng khiến gan phải lọc thải nhiều hơn, điều này rất bất lợi cho gan. Uống rượu nhiều là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan

Thức ăn nhanh: Ăn quá nhiều thức ăn nhanh, chế độ ăn nhiều chất béo và đường có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho gan.

Chất béo chuyển hóa (transfat): có trong các loại  thực phẩm chiên rán, xào bằng dầu mỡ tái chế có nhiều trong thức ăn nhanh, quẩy, bánh rán, mỳ tôm…là chất độc hại cho gan.

Muối: Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và cũng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Vậy nên bạn cần tuyệt đối hạn chế các món ăn nhiều muối như thịt xông khói và xúc xích...

Măng tươi: Măng là thực phẩm được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, một số loại măng, đặc biệt là măng tươi có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong. Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao. Khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể, gây hại cho gan.

Ăn nhiều thịt: Trong thịt chứa  nhiều chất béo no và cholesterol, khả năng phân giải của gan và thận đối với các chất này kém hơn rất nhiều so với các chất béo có nguồn gốc thực vật. Nên hạn chế ăn thịt để giảm tải gánh nặng cho gan và thận.    

Chất ngọt nhân tạo: Aspartame, Splenda NutraSweet, Equal... đều là các chất ngọt nhân tạo, nếu tiêu thụ quá nhiều có thể tạo ra phản ứng độc hại trong cơ thể, đặc biệt là gan vì gan phải làm việc trực tiếp để xử lý chúng. 

Gan đóng vai trò khử độc cho cơ thể, vậy cơ thể cũng phải có trách nhiệm khử độc cho gan. Vì thế, cần phải đưa vào cơ thể những loại thực phẩm tốt cho gan. Bảo vệ gan chính là bảo vệ sức khỏe của chúng ta .

ThS.BS Lê Thị Hải (nguyên trưởng phòng Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng QG)

Theo Đời sống
back to top