Ra quân nhưng vẫn ô nhiễm!
Từ khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, UBND huyện Thanh Trì đã kiểm tra 237 đơn vị sản xuất, kinh doanh có hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường, xử phạt 978 triệu đồng. Thế nhưng, từ lâu tình trạng xả rác sai quy định và đặc biệt là hoạt động đổ trộm phế thải xây dựng tại các khu đất trống, đất chưa thực hiện dự án tại huyện vùng ven này vẫn luôn tồn tại và tiếp diễn theo chiều hướng ngày càng gia tăng.
Với 1 thị trấn và 15 xã, Thanh Trì là một trong những huyện phát triển mạnh mẽ cùng tốc độ đô thị hóa nhanh. Đồng thời, Thanh Trì cũng là một trong bốn huyện theo đề án xây dựng thành quận vào năm 2020. Bởi nhiều lý do, hoạt động xây dựng của địa phương phát triển rất mạnh, trong khi “bài toán giải quyết” phế thải xây dựng quá nhiều vướng mắc.
Người dân phá nhà cũ xây nhà mới, phế thải xây dựng không biết phải đem đi đâu. Từ đó, hoạt động san lấp trái phép đất nông nghiệp nở rộ. Nhiều khu đất trống, đất dự án chờ thực hiện… vô tình trở thành bãi tập kết ô nhiễm môi trường, bất ổn xã hội và gây bức xúc trong dư luận.
Nhiều khu đất trống, đất nông nghiệp, đất dự án tại huyện Thanh Trì thành bãi tập kết rác và phế thải. |
Theo báo cáo số 339/BC-UBND ngày 10/6/2019 của UBND huyện Thanh Trì về kết quả 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức 831 đợt ra quân, thu gom, di chuyển trên 2.413 tấn rác thải đến nơi xử lý. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, một số ao, hồ trên địa bàn các xã Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai... đã được nạo vét, làm sạch nguồn nước.
Thế nhưng, thực tế, theo quan sát của phóng viên Báo KH&ĐS, tình trạng rác thải tràn lan trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn rất nan giải. Thêm vào đó là hàng loạt các trạm trộn bê tông gây bụi, xả thải… khiến cho môi trường luôn trong tình trạng ngột ngạt.
Môi trường ô nhiễm khiến dư luận bức xúc. |
Chậm bàn giao, đất dự án thành “núi rác”
Một trong những điểm nóng về môi trường của huyện Thanh Trì phải kể đến Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội. Theo tìm hiểu, ngày 19/7/2012, UBND huyện Thanh Trì có Thông báo 265/TB-UBND, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 171ha đất nông nghiệp của 3 xã: Liên Ninh, Ngọc Hồi, Vĩnh Quỳnh.
Đến tháng 6/2017, công tác giải phóng mặt bằng đối với 64,4ha đất trên địa bàn Ngọc Hồi đã được hoàn thiện và bàn giao mặt bằng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện quản lý. Thế nhưng, do việc bàn giao mốc giới giữa UBND huyện và Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị chưa được triển khai nên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì vẫn chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ 64,4ha đất nói trên.
Nếu không có biện pháp cứng rắn, quyết liệt thì chẳng bao lâu nữa huyện Thanh Trì sẽ ngập trong rác. |
Cũng vì việc chưa được bàn giao mốc giới nên vừa qua một số đối tượng lạ mặt đã đổ trộm phế thải vào ao hồ để san lấp mặt bằng, cho thuê kiếm lời. Tại xứ Đồng Rồi, chỉ trong vài ngày đã có hơn 1.200m2 đất dự án ngập trong phế thải. Còn tại xứ Đồng Nà Gạo, chỉ trong 1 đêm đã có gần 1.000m2 diện tích mặt nước bị phế thải phủ kín.
Không chỉ là phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, đồ gia dụng cũ hỏng… cũng “theo xe” của những đối tượng đổ trộm tập kết tại các khu đất trống. Trong khi đó, hầu hết các xã của huyện Thanh Trì chưa xây dựng được điểm tập kết, trung chuyển rác nên khi lượng rác ứ đọng cao như “núi” cũng là lúc người nào đó tiện tay châm lửa đốt khiến lượng khói bụi và mùi khét phát tán khắp nơi.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp đã thành bãi tập kết rác và phế thải. |
Công khai đổ trộm phế thải
Tại cánh đồng Gốc Lim thôn Triều Khúc, xã Tân Triều vào sáng 11/9 phóng viên Báo KH&ĐS nhận thấy phần lớn diện tích đất nông nghiệp đã bị rác cùng phế thải xây dựng tràn lấp. Một số diện tích còn được “chủ đất” thuê máy san gạt mặt bằng.
Hoạt động đổ trộm rác và phế thải tại xã Tân Triều không chỉ diễn ra ban đêm mà công khai cả ban ngày. Khi phóng viên có mặt tại bãi tập kết tự phát ở cánh đồng Gốc Lim, chỉ trong nửa tiếng đã có hàng chục xe 3 bánh chở gạch đá phế thải đổ xuống ruộng rau muống.
Ông Đỗ Đình Long – cán bộ môi trường xã Tân Triều, thừa nhận về tình trạng trên. Đồng thời ông Long cũng cho biết là từng bắt và xử lý nhiều đối tượng đổ trộm phế thải. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao hoạt động đổ trộm phế thải không giảm mà còn gia tăng thì ông Long không trả lời được.
“Có thể, một số chủ ruộng rau muống có thỏa thuận ngầm với những người chở phế thải xây dựng đổ ra với mục đích san lấp mặt bằng. Mặc dù khu ruộng rộng lớn đã được quây tôn nhưng ở một vài vị trí lại vướng bãi vật liệu xây dựng của người dân nên các đối tượng lợi dụng các lối vào để đổ phế thải”, ông Long nói.
Công khai đổ trộm phế thải xây dựng xuống ruộng. |
Đến chiều 11/9, phóng viên cùng ông Long xuống tận bãi tập kết tự phát tại cánh đồng Gốc Lim. Lúc này có một xe 3 bánh chở gạch vụn tiến vào, nhưng khi nhìn thấy cán bộ xã thì người này lùi xe đi ra. Sau đó, khi cán bộ rút về trụ sở thì người lái xe này lại tiến hành hoạt động đổ trộm.
Được biết, UBND huyện Thanh Trì lấy tiêu chí vệ sinh môi trường để chấm điểm thi đua, xây dựng làng xã văn hóa. Từ đầu năm 2019, UBND huyện Thanh Trì đã áp dụng công nghệ gửi hình ảnh vi phạm qua mạng Zalo chung của Ban Chỉ đạo 197. Mặc dù có nhiều biện pháp, nhưng tình trạng rác thải tràn lan cùng hoạt động đổ trộm phế thải không những không giảm mà còn gia tăng. Điều đó đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền huyện Thanh Trì có bất lực trước các hoạt động gây ô nhiễm hay không?.
Trao đổi với phóng viên Báo KH&ĐS, ông Nguyễn Tiến Cường – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, cho biết đã nhận được phản ánh về tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng và đang chỉ đạo các phòng ban triển khai xử lý, kiên quyết với các hoạt động gây ô nhiễm.