Ngày 19/10/2018, Thanh tra Bộ Y tế nhận được văn bản số 379/C03-P6 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an. Nội dung văn bản này chuyển đến Bộ Y tế toàn bộ nội dung tố cáo của công dân liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu mua sắm hoá chất, vật tư tiêu hao năm 2018 của Bệnh viện Mắt T.Ư.
Đến ngày 14/11/2018, Bộ trưởng bộ Y tế ban hành quyết định số 6877/QĐ-BYT về việc thụ lý giải quyết tố cáo và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo. Ngay trong tháng 11, Chánh Thanh tra Bộ Y tế ban hành quyết định số 214/QĐ-TTrB về việc thành lập Đoàn xác minh nội dung tố cáo hành vi chỉ định thầu mua sắm tập trung tại Bệnh viện mắt T.Ư.
Sau gần 5 tháng, Đoàn xác minh làm việc với các bên liên quan, Bộ Y tế đã ra văn bản số 372/KL-BYT về việc “Kết luận nội dung tố cáo tại Bệnh viện Mắt T.Ư”. Kết luận nêu, hầu hết các nội dung tố cáo là không có cơ sở, việc đấu thầu tại Bệnh viện Mắt T.Ư diễn ra hoàn toàn đúng quy trình và minh bạch.
Tuy nhiên, bản kết luận của Bộ Y tế có khá nhiều điểm bất thường.
Bệnh viện Mắt trung ương. |
Chưa đấu, đã biết trúng thầu?
Các nội dung tố cáo về cơ bản tố cáo chủ đầu tư (Bệnh viện Mắt T.Ư) đã “dựng hàng rào kỹ thuật” trong gói thầu số 5 và số 6. Với “hàng rào kỹ thuật” này, chỉ một sản phẩm duy nhất trên thị trường đáp ứng. Vì vậy, nếu sản phẩm đó tham gia đấu thầu thì đương nhiên đã trúng thầu ngay từ khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT).
Bộ Y tế chứng minh những tố cáo này là không có cơ sở bằng cách liệt kê hàng loạt những sản phẩm khác có mặt trên thị trường đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của HSMT. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những sản phẩm được Bộ dẫn chứng vẫn không thể đáp ứng được tất các các yêu cầu trong HSMT. Thậm chí có những sản phẩm không đáp ứng được chính những yêu cầu được dẫn ra trong kết luận của Bộ Y tế.
Như với hạng mục 1 của gói thầu số 5, nội dung tố cáo hồ sơ mời thầu cố tình đặt ra một số điểm mang tính chất cài thầu. Các hạng mục trong hồ sơ mời thầu thực chất là chỉ định cho từng đơn vị bằng “hàng rào kỹ thuật” cụ thể, số lượng cụ thể mà không một đơn vị khác tham gia vào gói sản phẩm đó.
Dẫn chứng điểm chỉ định của cấu hình là “chiều dài kính ≤11mm”, trong khi phần lớn các kính của các hãng đều không đáp ứng được điều kiện này. Tuy nhiên, kết luận của Bộ Y tế đã lập luận ngược lại, chỉ ra 2 sản phẩm khác có mặt trên thị trường có thể đáp ứng yêu cầu này. Đó là sản phẩm thuỷ tinh thể Mini và Artis YPL.
Nhưng, ngay cả khi Mini và Artis YPL đáp ứng được chiều dài kính thì cũng không thể đáp ứng hết được một số yêu cầu còn lại. Mini có hằng số A là 118,6 không đạt A ≥ 119 trong HSMT. Artis YPL có chiều dài Optic 6.15mm không đạt ≤ 6.0mm trong HSMT. Chỉ tiếc là, tiêu chí này lại không được đề cấp trong Kết luận thanh tra.
Với các tiêu chí trên, duy nhất sản phẩm Micropure 123 là phù hợp. Và đây chính là sản phẩm gần như đã xác định trúng thầu ngay khi HSMT được đưa ra.
Chuyển sang hạng mục số 7 của gói thầu số 6, nội dung tố cáo: Ngoài thuỷ tinh thể CIMflex 21 của hãng Cima Technology do công ty Phúc Xuân phân phối, không có thuỷ tinh thể nào khác đáp ứng. Kết luận của Bộ Y tế xác minh: Với yêu cầu kỹ thuật như HSMT yêu cầu, trên thị trường IOL (thuỷ tinh thể) có một số sản phẩm đáp ứng, ví dụ như: Hydro-sense và SC-Fold.
Nhưng thực tế sản phẩm Hydro-sense không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong HSMT của “dải công suất”. Dải công suất của Hro-sense từ +5D đến +40D không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của HSMT từ +5D đến +30D. Không chỉ có vậy, cả Hydro-sense và SC-Fold đều có góc càng 5º so với yêu cầu của HSMT là góc càng 0º.
Còn rất nhiều mục khác trong bản Kết luận đều đưa ra những dẫn chứng không đạt yêu cầu kỹ thuật trong HSMT. Với kết quả đấu thầu đã được thực hiện trong năm 2018, Nhà nước và người bệnh có khả năng phải chi thêm hàng tỷ đồng. Tính riêng về giá so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường tại thời điểm đó, giá các sản phẩm trúng thầu đã cao hơn gần 5 tỷ đồng.
Trùng hợp ngẫu nhiên?
Được biết, Kết luận 372 được ông Nguyễn Viết Tiến – khi đó đang là Thứ trưởng Bộ Y Tế ký ban hành (nay đã nghỉ hưu). Ngẫu nhiên là, ông Nguyễn Viết Tiến cũng là người ký quyết định số 716/QĐ-BYT ngày 29/1/2018 phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua hoá chất, vật tư tiêu hao năm 2018 bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn dịch vụ kỹ thuật y tế của Bệnh viện Mắt T.Ư.
Như vậy là, một người ký quyết định phê duyệt đấu thầu lại chính là người ký quyết định kết luận Thanh tra về kế hoạch đó. Thực tế này liệu có đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong cuộc thanh tra đó?
Kết luận 372 được ông Nguyễn Viết Tiến – khi đó đang là Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành. Nay ông Tiến đã nghỉ hưu. |
Có lẽ do vậy mà ngày 22/11/2019, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc BV Mắt T.Ư cho rằng đã có Kết luận 372/KL-BYT của Bộ Y tế về nội dung này. Nhưng khi được đề nghị cung cấp các tài liệu liên quan đến HSMT, ông Thành cho biết phải xin phép ý kiến đồng chí Giám đốc để từ chối không cấp.
Về phía Thanh tra Bộ Y tế, ngày 16/11/2018, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 6877/QĐ-BYT thành lập Đoàn xác minh nội dung tố cáo hành vi chỉ định thầu mua sắm tập trung tại Bệnh viện Mắt T.Ư.
Nhưng, khi đề nghị được làm việc, ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế - cũng chỉ cung cấp cho phóng viên Kết luận 372/KL-BYT và khẳng định nơi ban hành Kết luận là Bộ Y tế (chứ không phải Thanh tra Bộ), nếu có thắc mắc gì thì mời báo chí sang Bộ Y tế tìm hiểu.
Như vậy là, một cuộc đấu thầu công khai của Bộ Y tế, bằng cách nào đó, đã trở thành cuộc đấu nhiều khuất tất, dẫn tới phải thanh tra. Nhưng ngay cả chứng minh việc đấu thầu và thanh tra đều công khai, minh bạch, thì các cơ quan của Bộ Y tế vẫn biến thành một mớ lộn xộn về thủ tục và thẩm quyền. Mà kết quả là, mục tiêu công khai, minh bạch vẫn chưa thể rõ ràng, trong khi Nhà nước, người dân có nguy cơ tốn thêm tiền cho sự thiếu minh bạch ấy.