<p style="text-align: justify;">Cơ chế tác động gây xuất huyết của các thuốc này cũng rất khác nhau: có thuốc tác động trực tiếp do ức chế quá trình đông máu hay tác động gián tiếp do gây ra táo bón làm chảy máu trực tràng. Ngoài ra, sự tương tác giữa một số loại thuốc với nhau cũng gây ra xuất huyết…</p> <p style="text-align: justify;">Sau đây là một số loại thuốc có tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết, cần phải hết sức thận trọng khi sử dụng:</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Aspirin và các thuốc kháng viêm non steroid (NSAID) </strong></p> <p style="text-align: justify;">Aspirin và các thuốc kháng viêm NSAID (<em>Ibuprofen, ketoprofen, meloxicam…) </em> ức chế sự hoạt động của enzyme Cyclooxygenase (COX), ngăn chặn sự sản sinh ra Prostaglandin. Do prostaglandin là hoạt chất trung gian có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột, nên khi sử dụng các thuốc này trong một thời gian dài thường gây ra tác dụng phụ xuất huyết đường tiêu hóa.</p> <p style="text-align: justify;">Ngoài ra, aspirin còn ức chế Thromboxan A2, là chất có tác dụng hoạt hóa và chống kết dính các tiểu cầu (tiểu cầu là những tế bào máu rất nhỏ đóng vai trò quan trọng trong sự đông máu), nên còn làm tăng cao nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa.</p> <p style="text-align: justify;">Nhiều nghiên cứu cho thấy khi sử dụng aspirin và các thuốc kháng viêm NSAID trong một thời gian dài, sẽ gây ra nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa (dạ dày, ruột) chiếm tỉ lệ lên đến 10%, đặc biệt là hết sức nguy hiểm cho người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng.</p> <p style="text-align: justify;"><img alt="Thận trọng với các thuốc làm gia tăng nguy cơ xuất huyết!" src="http://suckhoedoisong.vn//suckhoedoisong.vn/Images/nguyenkhanh/2017/03/21/xuat_huyet.jpg" title="Thận trọng với các thuốc làm gia tăng nguy cơ xuất huyết!" /></p> <p style="text-align: justify;"><strong>Nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu </strong></p> <p style="text-align: justify;">Nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu (<em>aspirin, clopidrogel, ticagrelor…)</em> có tác dụng ngăn chặn sự kết dính các tiểu cầu với nhau trong quá trình đông máu theo nhiều cơ chế khác nhau. Khi sử dụng trong một thời gian dài, nhóm thuốc này sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết.</p> <p style="text-align: justify;">Nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu ngăn chặn sự kết dính các tiểu cầu để hình thành huyết khối ở động mạch, nên đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và dự phòng các bệnh lý tim mạch.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Nhóm thuốc chống đông máu</strong></p> <p style="text-align: justify;">Các thuốc chống đông máu được chia làm 2 nhóm:</p> <p style="text-align: justify;">- Nhóm thuốc chống đông máu cũ (<em>heparin, warfarin…) </em>thường được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch. Các thuốc này tác động đối kháng thụ thể với vitamin K, ức chế vitamin K tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II), yếu tố VII, IX, X và các protein C, protein S, nên có tác dụng chống đông máu và làm gia tăng nguy cơ xuất huyết khi sử dụng trong một thời gian dài.</p> <p style="text-align: justify;">- Nhóm thuốc chống đông máu mới (<em>apixaban, dabigatran, rivaroxaban, edoxaban)</em> thường được sử dụng qua đường uống nên còn được gọi là <em>thuốc chống đông máu đường uống mới </em>(NOAs: New oral anticoagulants). Nhóm thuốc này ức chế trực tiếp yếu tố Xa (rivaroxaban, apixaban, edoxaban) và yếu tố IIa (dabigatran) nên khi sử dụng một thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết.</p> <p style="text-align: justify;">Hiện nay, các nhóm thuốc chống đông máu trên thường được sử dụng để phòng ngừa và điều trị các bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, và đột quỵ.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Nhóm thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc noradrenalin (SNRI) và nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)</strong></p> <div> <ul style="display: flex;"> <li style="display: none; width: 47%; margin-bottom: 7px; padding: 5px; border: 1px solid rgb(221, 221, 221); background: rgb(242, 242, 242); overflow: hidden; float: left; margin-right: 2%; box-sizing: border-box; text-align: justify;"> <p><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></p> </li> <li style="display: none; width: 47%; margin-bottom: 7px; padding: 5px; border: 1px solid rgb(221, 221, 221); background: rgb(242, 242, 242); overflow: hidden; float: left; margin-right: 2%; box-sizing: border-box; text-align: justify;"> <p><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></p> </li> </ul> </div> <p style="text-align: justify;">Nhóm thuốc SNRI (<em>Desvenlafaxin, duloxetin, venlafaxine)</em> và nhóm thuốc SSRI (<em>Fluoxetin, paroxetine, sertralin…)</em>là những thuốc thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm.</p> <p style="text-align: justify;">Khi một mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu sẽ phóng thích serotonin gây co mạch và kết tập các tiểu cầu lại với nhau giúp ngưng chảy máu. Do các nhóm thuốc trên ức chế sự tái hấp thu serotonin vào tiểu cầu, nên khi sử dụng sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Thuốc gây táo bón</strong></p> <p style="text-align: justify;">Một số loại thuốc trong quá trình sử dụng gây ra tác dụng phụ táo bón như:</p> <p style="text-align: justify;">- Thuốc kháng axít (nhôm hydroxid, canxi carbonat).</p> <p style="text-align: justify;">- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitryptilin).</p> <p style="text-align: justify;">- Thuốc giảm nhu động ruột (diphenoxylat, loperamid).</p> <p style="text-align: justify;">- Thuốc chống loạn thần (clozapin, olanzapin, quetiapin).</p> <p style="text-align: justify;">- Thuốc bổ sung sắt…</p> <p style="text-align: justify;">Táo bón nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng viêm trực tràng hay nứt hậu môn gây ra chảy máu ở trực tràng. Vì vậy, các thuốc gây táo bón là những thuốc tác động một cách gián tiếp làm gia tăng nguy cơ xuất huyết!</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Tương tác thuốc gây xuất huyết</strong></p> <p style="text-align: justify;">Một số loại thuốc khi phối hợp với nhau sẽ dẫn đến các tương tác thuốc gây ra xuất huyết:</p> <p style="text-align: justify;">- Aspirin làm gia tăng nguy cơ xuất huyết ở người đang sử dụng thuốc chống đông heparin…</p> <p style="text-align: justify;">- Vitamin E sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết khi kết hợp với warfarin (thuốc chống đông máu) hoặc aspirin (thuốc chống kết tập tiểu cầu)…</p> <p style="text-align: justify;">- Các thuốc kháng viêm NSAID khi kết hợp với aspirin sẽ gia tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa…</p> <p style="text-align: justify;">Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây xuất huyết cho cơ thể cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao: người có tiền sử xuất huyết đường tiêu hóa hay viêm loét dạ dày-tá tràng, suy thận hay người cao tuổi…</p> <p style="text-align: justify;"><strong>DS. MAI XUÂN DŨNG</strong></p> <div> <div> <div> <p style="text-align: justify;"> </p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> </div> <div> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> </div>