Thận trọng khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT khi dịch bệnh phức tạp

(khoahocdoisong.vn) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần hết sức thận trọng trong việc tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm, sự ảnh hưởng của Covid-19 đổi với tình hình KT-XH trong đó có giáo dục là chủ đề được nhiều đại biểu đề cập đến.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cần cân nhắc và hết sức thận trọng trong việc tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

"Hằng năm chúng ta vẫn tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT đồ sộ cho xấp xỉ 1 triệu học sinh trên cả nước tham gia, tiêu tốn số tiền ngân sách không nhỏ, nhưng cuối cùng chỉ xác định được tỷ lệ học sinh không tốt nghiệp rất ít. Thậm chí năm 2020 tình hình dịch bệnh cũng rất phức tạp diễn ra đúng vào thời gian thi tốt nghiệp, lịch thi phải dời nhiều lần nhưng rồi tỷ lệ tốt nghiệp THPT lại cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, trong đó, có đến hơn 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp hơn 99%”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đặt câu hỏi có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không.

Một số ý kiến cho biết, Bộ GD&ĐT cần có kịch bản ứng phó khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài.

Ông Quảng Văn Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có những đánh giá cụ thể để tổng kết năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022.

Năm học vừa qua, học sinh-sinh viên các cấp học phải học online nhiều đợt. Thậm chí, suốt vài tháng nay, học sinh của nhiều tỉnh, thành phải nghỉ học và chỉ ở nhà. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự trưởng thành toàn diện của trẻ.

Bộ GD&ĐT cần có đánh giá, nếu dịch bệnh kéo dài như thế này, học sinh tiếp tục phải chuyển sang học online thì Bộ cần có kịch bản ứng phó như thế nào? Tổ chức phối hợp giữa gia đình và nhà trường ra sao để giáo dục nhân cách cho học sinh phát triển toàn diện.

"Nếu không, học sinh chúng ta sẽ chỉ là những người ngồi trên máy tính. Học trên máy, giải trí trên máy mà không có sự giao tiếp bên ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách", ông Quàng Văn Hương bày tỏ quan điểm.

Theo Đời sống
back to top