<p>Tai là bộ phận chính đảm bảo chức năng nghe và thăng bằng ở người. Đặc biệt, tai được chia là 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong, và có bộ phận gọi là màng nhĩ ngăn cách giữa tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ ngoài việc thu nhận âm thanh, còn là một tấm màn bảo vệ, nhờ nó mà khi dùng thuốc nhỏ tai sẽ hạn chế thuốc dùng ở tai ngoài thấm vào tai giữa và tai trong. </p> <p>Việc sử dụng thuốc nhỏ tai sao cho đúng chỉ định và an toàn có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là khi dùng ở trẻ em dưới hai tuổi vì dễ bị tổn thương tai, dẫn đến trẻ không nghe được, có thể bị điếc vĩnh viễn.</p> <p><strong>Các loại thuốc nhỏ tai thường dùng</strong></p> <p>Thuốc nhỏ tai chủ yếu là những loại thuốc thường được bào chế dưới dạng dung dịch, nhằm đáp ứng cho việc điều trị những bệnh lý về tai, chủ yếu là viêm tai. Thuốc nhỏ tai được chia làm hai loại, cho những trường hợp viêm tai không thủng màng nhĩ và cho viêm tai có kèm theo thủng màng nhĩ.</p> <p><em>Nhóm thuốc dùng cho bệnh lý viêm tai không thủng màng nhĩ:</em></p> <p>Thường là những thuốc dùng cho viêm ống tai ngoài, hoặc viêm tai giữa cấp giai đoạn sung huyết. Do không bị thủng màng nhĩ nên thuốc có thể dùng chứa một trong những kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid như streptomycine, gentamicine, neomycine là nhóm thuốc có khả năng gây độc cho ốc tai (nằm trong tai trong) và phải thật cẩn thận vì nếu thuốc thấm vào tai trong sẽ gây tổn thương không hồi phục các tế bào thần kinh hoặc tiền đình gây điếc. Bác sĩ phải kiểm tra thật kỹ màng nhĩ của bệnh nhân trước khi cho thuốc.</p> <p>Thuốc nhỏ tai thường phối hợp kháng sinh và kháng viêm corticoid (dexamethasone), có tác dụng như một trị liệu tại chỗ chống viêm. Ví dụ như Polydexa với thành phần gồm neomycine, polymycine B, dexamethasone Do có sự phối hợp của hai thuốc kháng sinh trong Polydexa là neomycine và polymycine cho phép mở rộng phổ kháng khuẩn diệt nhiêu mầm bệnh Gr + và Gr - là các tác nhân gây bệnh của ống tai ngoài và tai giữa.</p> <p>Có thuốc như Otipax là loại thuốc chứa phenazone và lidocain có tác dụng chống viêm và giảm đau tại chỗ ở tai. Còn có thuốc nhỏ chỉ để rửa tai như nước oxy già 12 thể tích, dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.</p> <p><em>Nhóm thuốc dùng cho trường hợp màng nhĩ bị thủng:</em></p> <p>Thành phần của các thuốc này đều không phải là loại gây độc cho tai và thần kinh thính giác như kháng sinh nhóm aminoglycosid kể ở trên, vì khi nhỏ, thuốc sẽ vào tai giữa qua lỗ thủng màng nhĩ và tiếp xúc trực tiếp với các đầu dây thần kinh ở tai trong gây hại. Thuốc nhỏ tai loại này phải chứa những kháng sinh có tính an toàn đối với ốc tai ở tai trong. Như rifamycine (Otofa) được dùng, nhờ không gây độc cho tai mà còn có tác dụng tiêu diệt cả vi khuẩn Gr + và cả Gr - trong các bệnh nhiễm trùng tai giữa. Hoặc có thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh thuộc nhóm quinolone như ciprofloxacine (Ciplox), hoặc thuốc chứa kháng sinh cloramphenicol (Cloraxin) cũng tác động chủ yếu lên nhiều loại vi khuẩn gây viêm tai mà không gây hại khi màng nhĩ bị thủng.</p> <div> <ul style="display: flex;"> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> </ul> </div> <p>Ở Việt Nam đã có trường hợp điếc hoàn toàn không hồi phục xảy ra do dùng thuốc nhỏ tai Polydexa kéo dài trên bệnh nhân viêm tai giữa mạn tính (đã thủng màng nhĩ).</p> <p><strong>Khi dùng các thuốc nhỏ tai phải lưu ý những gì?</strong></p> <p>- Trước khi nhỏ tai hoặc rửa tai, nên làm ấm lọ thuốc, đặc biệt là khi sử dụng về mùa rét, vì nếu nhỏ một dung dịch lạnh vào tai sẽ dễ gây nên phản ứng của cơ quan tiền đình tai trong, làm xuất hiện các cơn chóng mặt đột ngột. Cách làm ấm: ngâm lọ thuốc vào một cốc nhỏ nước nóng trong khoảng 1 phút, sau đó lắc đều, nhỏ thử một giọt lên mu bàn tay, nếu thấy ấm vừa là được.</p> <p>- Nếu thuốc có ống nhỏ giọt: hãy hút một vài giọt thuốc vào trong ống nhỏ giọt. Nếu lọ thuôc chỉ có đầu nhỏ thì bạn chỉ cần lật úp lọ thuốc xuống để nhỏ.</p> <p>- Thuốc nhỏ tai thường được chỉ định dùng 3 - 4 lần/ngày, mỗi lần 2 - 3 giọt một bên tai hoặc theo số giọt thuốc bác sĩ chỉ định.</p> <p>- Khi nhỏ tai, phải hướng tai lên trên để nhỏ thuốc, giữ đầu nghiêng trong khoảng 2 - 3 phút để thuốc có thể lan vào trong tai, day nhẹ ở ngay phía bên ngoài tai, sau đó để đầu lại tư thế bình thường, lau sạch thuốc thừa chảy ra ở cửa tai. Đậy nắp lọ lại, bảo quản thuốc như hướng dẫn sử dụng.</p> <p>- Thời gian dùng thuốc nhỏ tai thường không quá 10 ngày, sau đó nên đến khám bác sĩ tai mũi họng để đánh giá kết quả và có được những hướng dẫn điều trị tiếp theo. Tuyệt đối không nên mua thêm theo đơn thuốc và dùng kéo dài mà không có ý kiến chuyên môn của bác sĩ.</p> <p>- Hầu hết các thuốc nhỏ tai có chứa kháng sinh đều có thể gây dị ứng cho những người quá mẫn cảm với các thành phần kháng sinh có trong thuốc với các biểu hiện như nổi mẩn đỏ, ngứa... Gặp trường hợp dị ứng hoặc có những dấu hiệu bất thường như ù tai, đau nhức tai, cảm giác chóng mặt, cần dừng ngay thuốc và đến khám bác sĩ.</p> <p>- Việc sử dụng dung dịch nước oxy già 12 thể tích để rửa tai trong trường hợp chảy mủ tai thường được các thầy thuốc chuyên khoa tiến hành. Tuy nhiên nếu người bệnh tự làm thì cần chú ý theo đúng hướng dẫn, dùng que tăm bông sạch lau hết thuốc sau khi rửa vì ôxy già là chất ôxy hóa, nếu còn sót lại trong tai có thể sẽ viêm loét hoặc hoại tử niêm mạc hòm tai.</p> <p>Sử dụng thuốc nhỏ tai không phải là một việc làm quá phức tạp, tuy nhiên nếu không có kiến thức cơ bản và sự tuân thủ những nguyên tắc chuyên môn thì rất có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc. <strong><em> </em></strong></p>