Tính thành phần dinh dưỡng, thịt dê có chứa 20,7% protid; 4,3% lipid; 11mg Ca; 129mg P; 2mg Fe; có vitamin B1, B2, PP và cung cấp 125 calo/100g thịt. Tuy nhiên, thịt dê không nên dùng nhiều, nhất là với người nội nhiệt, người nóng, bứt dứt khó ngủ; chứng thống phong (gút) khớp đang đau đều phải kiêng thịt dê nghiêm ngặt.
Con dê có quả thận rất bổ dưỡng. Thận dê vị cam, tính ấm, không độc, tác dụng bổ khí, dưỡng vị, ích phủ tạng, chủ trị thận khí hư, ù tai, điếc tai, chứng nhiều mồ hôi, hay sợ lạnh và chứng gặp lạnh hay đau bụng. Cách chế biến, mỗi lần dùng 1 quả làm sạch gân trắng ở trong, cho gia vị vừa đủ luộc chấm mắm gừng, hay nấu cháo hoặc phối hợp đỗ trọng, ý dĩ, hạt sen, gia vị vừa đủ hầm ăn. Thận dê có thể xào với hoa lý ăn tuần vài lần. Tài liệu cổ phương còn cho biết, dùng thận dê với mỡ dê, rau hẹ và tỏi chữa được chứng “trưng hà” khối u trong bụng, chứng đau bụng do hàn.
Một bộ phận khác của con dê cũng rất quý đối với người di tinh, hoạt tinh… đó là ngọc dương. Ngọc dương dê vị cam, tính ấm, không độc. Tác dụng bổ dương khí, ích phủ tạng, chủ trị chứng thận hư, di tinh hoạt tinh. Tốt nhất nên dùng ngọc dương loại dê đang lớn 1 cái, làm sạch, cho hạt sen, đậu đen, nước gừng gia vị vừa đủ tiềm ăn. Hoặc phối hợp với vỏ quít, đại hồi, dâm dương hoắc ngâm rượu uống.
Lương y Minh Phúc (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Vũng Tàu)