Thăm ngôi nhà cổ hơn 130 tuổi đặc trưng của Hà Nội xưa
Nguyễn Hải
Nhà cổ 87 phố Mã Mây với kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa, hiện là điểm tham quan, triển lãm, cung cấp thông tin về lịch sử Hà Nội.
Ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, tổng diện tích đất: 157,6m2, chiều dài 28m, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng mặt hậu 6m. Ngôi nhà này đã thay đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia bán thuốc Bắc mua lại ngôi nhà. Từ năm 1954 đến năm 1999, có 5 gia đình sinh sống tại đây.
Ngôi nhà được đầu tư tôn tạo từ cuối năm 1998, hoàn thành vào ngày 27/10/1999; như một dấu ấn lịch sử của Hà Nội 36 phố phường. Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Ngày 16/2/2004, ngôi nhà số 87 Mã Mây được cấp bằng Di sản cấp quốc gia.
Đặc điểm nhà truyền thống trong khu Phố cổ Hà Nội theo dạng hình ống. Nhà thường hẹp về chiều ngang và rất sâu, các lớp nhà được ngăn cách bởi các lớp sân trong. Phía trong có sân trời lấy ánh sáng, nước mưa... Tiếp đến là một gian nhà người ở, rồi đến kho hàng và bếp. Các khoảng sân trong tạo độ thông thoáng và ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà.
Bộ điếu bát, ấm chén uống trà được lưu giữ.
Nối giữa các phòng đều là cấu trúc xuyên phòng, tận dụng khoảng không để kê đồ vật. Do nhu cầu của người dân lúc đó còn đơn giản, họ chưa cần phải có những khoảng không gian riêng tư như ngày nay, vì vậy việc xây dựng không gian xuyên suốt từ gian phòng này sang phòng khác là điểm đặc trưng nổi bật của không gian nhà ở xưa của người Hà Nội.
Trong ngôi nhà hiện còn lưu giữ nhiều vật dụng cổ.
Lớp nhà phía sau cùng là khu vực kho hàng và bếp. Không gian khu vực nhà bếp mang đậm chất người Việt xưa với chạn, chum, vại...
Những chiếc cối đá cổ được trưng bày trong ngôi nhà.
Du khách quốc tế tỏ ra thích thú với kiến trúc độc đáo nhà cổ của người Việt.
Cầu thang lên gác trên nghiêng 70 đến 75 độ là nét kiến trúc đặc sắc của người Hà Nội xưa.
Gian phòng thờ được đặt trang trọng trên tầng 2.
Không gian giữa trên gác 2 là phòng tiếp khách và ngắm hoa, thưởng nguyệt.
Không chỉ là điểm đến của du khách, ngôi nhà còn thường xuyên là nơi tổ chức các loại hình văn hóa dân gian đặc trưng của người Hà Nội xưa. Sau hơn 100 năm tồn tại, ngôi nhà được bảo tồn và gìn giữ làm điểm tham quan, triển lãm, cung cấp thông tin về lịch sử Hà Nội.
>>> Mời độc giả xem thêm video “Sống ảo” bên ngôi nhà phủ đầy hoa xác pháo ở Bảo Lộc (Nguồn: Kienthucnet):