Đình chỉ hoạt động 18 tháng
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA Plus (Thẩm mỹ viện Pháp Á, số 12-14 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1).
Theo đó, Thẩm mỹ viện Pháp Á có vi phạm: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động.
Với 2 hành vi trên, Thẩm mỹ viện Pháp Á bị phạt 160 triệu đồng, đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của cơ sở thời hạn 18 tháng.
Cơ sở chỉ được hoạt động khám, chữa bệnh khi có giấy phép hoạt động và người hành nghề có chứng chỉ theo quy định. Ngoài ra, cơ quan chức năng buộc Thẩm mỹ viện Pháp Á tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.
Thẩm mỹ viện Pháp Á (số 12-14 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Ảnh: Sở Y tế TP HCM. |
Cũng tại địa chỉ 12-14 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thanh tra Sở Y tế TP HCM ra quyết định xử phạt đối với ông Huỳnh Thanh Hải, số tiền 35 triệu đồng, do có hành vi vi phạm: Khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Tai biến sau phẫu thuật hút mỡ
Liên quan Thẩm mỹ viện Pháp Á, trước đó, ngày 30/7, Sở Y tế TP HCM nhận được báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy về trường hợp bệnh nhân bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ, vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24/7.
Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP HCM và các đơn vị liên quan kiểm tra Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA Plus. Đoàn kiểm tra phát hiện toà nhà 7 tầng ở địa chỉ số 12-14 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, treo biển hiệu "Thẩm mỹ viện Pháp Á". Tại tầng 2, một phòng thủ thuật (có đèn phẫu thuật, giường, phòng xử lý dụng cụ, phòng rửa tay); tầng 5 có máy nhanh lành vết thương Cold Plasma, máy nâng cơ BTL EMSCULLTP, máy triệt lông đã tháo tên máy và nhãn hiệu, máy nâng cơ xóa nhăn SLIM, máy chăm sóc da HYCYNIS có 9 đầu dò.
Riêng tầng 7, có phòng làm việc với 17 máy tính, các nhân viên chăm sóc khách hàng. Kiểm tra phía sau phòng này có 2 bộ tiểu phẫu, các vỏ chai dịch truyền NaCl 0,9% đã qua sử dụng, chai Povidine.
Mặc dù bị buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm nhưng khảo sát ngày 28/8 cho thấy, trên trang Facebook Viện thẩm mỹ Pháp Á Center vẫn quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ với nội dung: “Một lần làm phương pháp cuộn mí sinh học thay đổi cuộc đời bạn, mang đến vẻ đẹp và sự may mắn dài lâu”... Ảnh chụp màn hình. |
Đoàn kiểm tra còn phát hiện quảng cáo trái phép trên trang Facebook Viện thẩm mỹ Pháp Á Center với nội dung: Cấy meso HA, cấy collagen xóa nhăn, căng da, cấy chỉ đan lưới, làm đẹp không phẫu thuật cùng filler, Botox.
Khi được hỏi về trường hợp người bệnh hút mỡ bụng tại cơ sở này bị tai biến, phải nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, đại diện Thẩm mỹ viện Pháp Á cho biết, người này hút mỡ bụng, hông, tay, nách và cấy mỡ mu bàn tay hai bên tại cơ sở ngày 22/7. Ê-kíp thực hiện là ông Huỳnh Thanh Hải và một người nữa, do ông Hải đưa tới.
Ông Hải mang theo tất cả dụng cụ phẫu thuật kèm thuốc, trang thiết bị y tế. Khách hàng cũng do ông Hải đưa tới. Công ty chỉ cho ông Hải thuê phòng mổ với giá 15 triệu đồng để thực hiện.
Đoàn kiểm tra yêu cầu Thẩm mỹ viện Pháp Á liên hệ ông Hải đến làm việc nhưng đơn vị này báo lại ông Hải không hợp tác, không đến. Đơn vị cung cấp căn cước công dân của ông Hải, nhưng không cung cấp được bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề.
Cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế xác minh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân là N.T.K.N., cho biết, đã hút mỡ bụng, hút mỡ vùng hông, cánh tay, nách, cấy mỡ mu bàn tay ngày 22/7 tại cơ sở ở địa chỉ 12 Nguyễn Công Trứ, quận 1 với giá 95 triệu đồng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ở lại cơ sở đến hôm sau mới về.
Thông tin xử phạt Thẩm mỹ viện Pháp Á của Thanh tra Sở Y tế TP HCM. Ảnh chụp màn hình. |
Bệnh nhân nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 10h ngày 24/7 trong tình trạng bệnh tỉnh, than mệt, khó thở, đau những vùng hút mỡ trên cơ thể. Các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán người này bị viêm mô tế bào vùng bụng, ngực, nách 2 bên sau hút mỡ ngày thứ 3. Sau khi điều trị, người bệnh xuất viện ngày 27/7.
Thanh tra Sở Y tế đã xác lập hành vi vi phạm hành chính số 336/BB-VPHC đối với Thẩm mỹ viện Pháp Á do bà Nguyễn Thị Ngọc Chi làm Giám đốc với các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 18 tháng.
Sở Y tế xem xét trả hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA Plus đã được hệ thống giải quyết thủ tục hành chính TP HCM thông báo tiếp nhận hồ sơ ngày 11/6/2024.
Sở Y tế tiếp tục phối hợp Công an thành phố xác minh và yêu cầu ông Hải đến Thanh tra Sở Y tế làm việc để làm rõ sai phạm. Đồng thời, xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP HCM nếu có dấu hiệu trốn tránh cơ quan quản lý Nhà nước sau khi phẫu thuật trái phép, không giấy phép hành nghề…
Luật sư Võ Quang Vinh - Đoàn Luật sư tỉnh Trà Vinh - dẫn quy định tại điểm a, khoản 6 và điểm b khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cho biết, cá nhân cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng; với tổ chức, mức phạt gấp đôi của cá nhân; có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động cơ sở từ 12 tháng đến 24 tháng.
Tùy tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép, nếu gây tổn hại sức khỏe hoặc làm chết người hay đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà tiếp tục tái phạm, có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Vinh cũng dẫn quy định tại điểm a, khoản 4, điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định: Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Việc khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ khoản 7, Điều 38, Nghị định 117//2020/NĐ-CP của Chính phủ, bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt từ 60 triệu đến 80 triệu đồng (khoản 5, Điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo).
Cơ sở quảng cáo có hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xoá quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; buộc cải chính thông tin…
Tại Hội nghị tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế TP HCM tổ chức ngày 22/8, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM Hồ Văn Hân thông tin, TP HCM có 772 bệnh viện, phòng khám cung cấp dịch vụ thẩm mỹ thuộc quản lý của ngành y tế, trong khi đó có gần 3.900 cơ sở thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da...). Vì vậy, thách thức lớn của ngành y tế là các cơ sở làm đẹp do quận, huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế nhưng lại hoạt động lấn sân sang khám, chữa bệnh.
Để chấn chỉnh các dịch vụ làm đẹp sai, không phép, hạn chế tai biến thẩm mỹ, Thanh tra Sở Y tế TP HCM kiến nghị 6 giải pháp. Trong đó, kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin về vi phạm cho cơ quan chức năng; các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý đào tạo, dạy nghề. Đồng thời, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, thông tin nhanh; phối hợp Công an TP HCM xử lý vụ việc trọng điểm; thông qua tổ công tác đặc biệt, chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý.