Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP bị đình chỉ hoạt động

Vướng hàng loạt vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh, Công ty TNHH Thẩm mỹ Quốc tế YONSEI TP (Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP) bị phạt 113,6 triệu đồng, đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh.

Loạt hành vi vi phạm

Mới đây, Công ty TNHH Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP (Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP, số 51A Trần Quốc Toản, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt vì vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo quy định trên, cơ sở bị phạt đối với một trong những hành vi sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người); xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Hình ảnh quảng cáo Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP trên mạng xã hội.

Hình ảnh quảng cáo Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP trên mạng xã hội.

Ngoài ra, Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP còn có hàng loạt vi phạm khác: Sử dụng trang thiết bị y tế không có giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu; kinh doanh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (lô hàng 1 hộp cream lidocaine); hoạt động không có biển hiệu theo quy định; không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP bị phạt 113,6 triệu đồng, đình chỉ hoạt động cho đến khi có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và người hành nghề có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; bị tịch thu tang vật vi phạm.

Công ty TNHH Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP được thành lập ngày 22/12/2022, do bà Võ Thị Thùy Trang làm đại diện pháp luật. Fanpage “Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP” quảng cáo chuyên dịch vụ về thẩm mỹ không phẫu thuật và phẫu thuật thẩm mỹ uy tín tại quận 3. Fanpage khác là “Thẩm Mỹ Quốc Tế - Yonsei TP” quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ “Siêu trẻ hóa - công nghệ độc quyền”. Cả hai trang này đều dẫn về địa chỉ tại 51A Trần Quốc Toản, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.

Chiều 16/1, PV có mặt tại địa chỉ số 51A Trần Quốc Toản, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM nhưng nơi này đóng cửa, tầng 2 và 3 sáng đèn. Bên ngoài tấm biển hiệu quảng cáo có nội dung: “Phun xăm thẩm mỹ công nghệ châu Âu - Phòng khám chuyên khoa Yonsei Thẩm Mỹ Quốc Tế TP”. PV liên hệ Thẩm mỹ Quốc tế Yonsei TP qua số hotline 0837666xxx nhưng không được.

Trụ sở Thẩm mỹ Quốc tế - Yonsei TP trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 (hình ảnh chụp chiều 16/1). Ảnh: Hữu Thông.

Trụ sở Thẩm mỹ Quốc tế - Yonsei TP trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 (hình ảnh chụp chiều 16/1). Ảnh: Hữu Thông.

Hệ lụy từ thẩm mỹ “chui”

Thời gian qua, nhiều ca tai biến do thẩm mỹ, đặc biệt là thẩm mỹ “chui”, gây ra. Trong đó, không ít trường hợp nạn nhân thiệt mạng. Đáng nói, hậu quả của thẩm mỹ “chui” xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, thậm chí đến tính mạng. Thế nhưng, những người đang hành nghề "chui" không những không biết sợ mà hoạt động biến tướng ngày càng tinh vi.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thành phố có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan thẩm mỹ. Trong đó, 598 cơ sở do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở). 85% cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo luật định, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép gồm 2.175 spa và chăm sóc da, 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da, 3.798 dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng...

Ông Thượng cho hay, cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ được chia thành 3 nhóm khác nhau. Nhóm một là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm chăm sóc da (spa), cắt tóc, gội đầu, làm móng.

Những cơ sở chăm sóc sắc đẹp này được phép hoạt động không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, theo quy định, họ chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (đăng ký kinh doanh công ty), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Người dân cần lưu ý rằng, cơ sở chăm sóc sắc đẹp hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê. Đây là nhóm không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế. Nhưng thực tế, Thanh tra Sở từng phát hiện, xử lý những cơ sở chăm sóc da thuộc nhóm này nhưng lén lút phẫu thuật hút mỡ với thuốc gây tê.

Nhóm hai là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da, không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (đăng ký kinh doanh công ty).

Để hoạt động hợp pháp, điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phun, xăm, thêu phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Các cơ sở phun, xăm, thêu trên da phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Theo quy định pháp luật, các cơ sở phun, xăm, thêu trên da không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Nhưng thực tế, Thanh tra Sở cũng phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở làm đẹp thuộc nhóm này đã lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhóm ba là cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở trên có thể là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ. Hầu hết nơi cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở theo loại hình này đều có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, tất cả kỹ thuật can thiệp phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật. Các kỹ thuật sử dụng ngoài danh mục cho phép đều trái quy định pháp luật.

PGS.TS Tăng Chí Thượng cho rằng, Sở Y tế TP HCM xác định có 3 thách thức chính đối với công tác quản lý nhà nước.

Thứ nhất, quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động, từ đó gây cho người dân hiểu nhầm và sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ chưa được thẩm định đủ điều kiện về đảm bảo an toàn trong y khoa.

Thứ hai, hoạt động hậu kiểm cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức. Hơn 85% là do UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong khi số lượng cơ sở có xu hướng ngày càng tăng.

Thứ ba, hoạt động thẩm mỹ "chui" ngày càng tinh vi để né tránh cơ quan quản lý Nhà nước. Điều đáng lo ngại khi hoạt động thẩm mỹ "chui" đang có xu hướng chuyển vào khách sạn, nhà trọ để né tránh, gây ra tai biến, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, khó khăn không nhỏ cho cả người dân và cơ quan quản lý khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp. Hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên "thẩm mỹ viện…" hay "viện thẩm mỹ…".

Thực tế, qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp nhóm 1 và nhóm 2, Sở Y tế TP HCM đã phát hiện, xử lý nghiêm một số cơ sở sử dụng thuốc tê dạng tiêm và cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.

Luật sư Võ Quang Vinh - Đoàn Luật sư tỉnh Trà Vinh - dẫn quy định tại khoản 6, Điều 39, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh; hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.

Cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng; có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo khoản 7, Điều 39, Nghị định số 117.

Theo Đời sống
back to top