Thăm lán Nà Nưa - cội nguồn của những chiến công lịch sử
Quốc Lê
Từ căn lán đơn sơ này, với những nhận định đúng đắn, quyết sách kịp thời về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại.
Nằm trong quần thể di tích cách mạng Chiến khu Tân Trào, lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng Đông. Đây chính là nơi ở và làm việc của Bác Hồ những ngày chuẩn bị cho Cách mạng Tháng 8/1945.
Lán được đơn vị giải phóng quân dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của đồng bào dân tộc miền núi, dưới các đám cây rậm rạp để đảm bảo bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.
Công trình có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác Hồ nghỉ ngơi, còn gian ngoài là chỗ Người làm việc và tiếp khách. Khi ở lán Nà Nưa, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, những bữa ăn đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh.
Hoàn cảnh sống và làm việc như vậy, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, sức khỏe của Bác giảm sút. Với tinh thần cách mạng cao cả, Bác đã vượt qua được những trở ngại này để lãnh đạo cuộc cách mạng trước tình thế cấp bách của Việt Nam và thế giới.
Để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cảnh vệ dựng một căn lán nhỏ cách lán của Bác khoảng 20 mét về phía Đông, án ngữ con đường mòn từ làng Tân Lập vào, từ Thái Nguyên sang, đồng thời đặt nhiều trạm gác bí mật xung quanh khu vực Bác làm việc. Ảnh: Lán cảnh vệ.
Lán điện đài là nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh (tại Côn Minh - Trung Quốc). Từ căn lán này, Bác và các cán bộ Việt Minh đã nắm bắt thông tin quan trọng về tình hình thế giới, từ đó đưa ra những quyết sách quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Ảnh: Lán điện đài.
Lán đồng minh tại khu rừng Nà Nưa đã ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và các đại diện của Đồng Minh. Chính sách đối ngoại đa phương, tận dụng mọi sự giúp đỡ của các lực lượng quốc tế thể hiện tầm nhìn ngoại giao sáng suốt, linh hoạt của Bác Hồ. Ảnh: Lán đồng minh.
Ngày 13/8/1945, tại khu rừng Nà Nưa, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập, 23h ngày 13/8/1945, ra bản quân lệnh số I, hạ lệnh toàn dân đứng dậy giành chính quyền. Ảnh: Căn lán nơi diễn ra hội nghị.
Ngày 15/8/1945, sau khi được tin Nhật chính thức đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện, Bác Hồ đã đề nghị Hội nghị nên kết thúc sớm để đại biểu còn kịp về các địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Ngày 16 và 17/8, Bác dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, được Đại hội bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Ảnh: Bên trong lán hội nghị.
Ngày 22/8, Bác Hồ rời căn lán Nà Nưa về Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Thái Nguyên). Bác cử một số đồng chí ở lại Tân Trào, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Hoàng Văn Thái, Trần Thị Minh Châu... Ảnh: Một lối mòn trong khu rừng Nà Nưa.
So với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, ba tháng Người sống và làm việc tại Tân Trào là một khoảng thời gian rất ngắn... Ảnh: Phiến đá trước lán Nà Nưa, được Bác tận dụng làm bàn làm việc.
Nhưng chính từ căn lán đơn sơ, với những nhận định đúng đắn, quyết sách kịp thời về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam đã đập tan gông cùm nô lệ, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do.
Mời quý độc giả xem video: Toàn văn Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập | VTV24.