Tham làm con người khổ

Tham làm con người khổ, đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bích, nguyên giảng viên Trường Đại học Văn hóa. Con người ta khổ vì sống không đúng. Một trong những cái không đúng đó là tham, tham tiền, tham danh vọng, vật chất…

Bà Nguyễn Thị Bích, nguyên giảng viên Trường ĐH Văn hóa.

Trong cuộc sống, với bà điều gì là quan trọng nhất?

Chúng ta vẫn nói, sức khỏe là quan trọng nhất. Nhưng với tôi, khỏe về tinh thần là điều quyết định. Mà muốn khỏe về tinh thần, tức là trong lòng luôn thanh thản, nhẹ nhõm, vui vẻ, thì ngay từ khi còn trẻ phải học cách sống có đạo đức.

Thế nào là sống có đạo đức, thưa bà?

Đạo đức có ý nghĩa rất rộng, nhưng tựu trung tức là không ích kỷ, là phải biết nghĩ đến người khác. Hồi nhỏ, mẹ tôi vẫn dạy, phải biết tìm niềm vui trong việc đem lại niềm vui cho người khác.

Anh có số tiền này, đem mua một thứ gì đó mà anh ao ước, thì niềm vui đó sẽ chóng qua đi. Còn nếu anh mang giúp cho một người đang không có tiền để chữa bệnh, thì không chỉ đem lại niềm vui cho người đó, mà chính anh cũng thấy vui. Và cái vui ấy mới bền lâu.

Trong Tứ vô lượng tâm của đạo Phật: Từ – bi – hỷ -xả, thì hỷ chính là vui cái vui của người khác có mà mình không có; vui với thành công của người khác mà mình không thành công. Cả cuộc đời tôi vẫn cố gắng sống theo lời dạy đó.

Như thế thì khó quá?

Đúng là để sống được như thế rất khó. Nhưng chính vì khó mà phải tu luyện. Ta ao ước có một chiếc nhẫn kim cương, mua được nó rồi, tất nhiên là vui, là sung sướng. Nhưng sau đó ta lại ao ước có được thứ khác.

Đó là lòng tham, mà tham thì không bao giờ có giới hạn. Được cái này lại muốn cái khác, nó khiến con người lúc nào cũng lao vào cuộc tìm kiếm để thỏa mãn những nhu cầu của mình.

Còn nếu ta chia sẻ với nhứng người khó khăn, đau khổ của người khác, thì mỗi khi nhớ lại việc tốt mình đã làm, ta lại thấy vui. Càng nghĩ đến người khác, càng biết nhường nhịn thì ta càng thanh thản.

Vậy suốt đời mình cứ chịu thiệt, chịu khổ?

Thực ra, khổ là do quan niệm sống của người ta sống không đúng chứ đâu phải do nhường nhịn. Cũng là nhường nhịn, chịu thiệt về mình, nhưng người này thì thấy hạnh phúc vì đã làm cho người khác vui. Còn người kia lại thấy hậm hực, bực bội vì mình bị thiệt. Khổ hay vui là do tâm lượng của anh quyết định, anh biết sống vì người khác hay chỉ biết nghĩ đến mình.

Thông thường ta cứ tự cho mình là trung tâm, lấy những tiêu chí của mình để đánh giá người khác. Thấy ai nói điều gì, làm việc gì không hợp với mình là phản ứng khó chịu, như thế là tự làm mình khổ.

Chùa chiền xây to, người ta đi chùa nhiều… đó chỉ là những cái hào nhoáng bên ngoài thôi. Nguy hiểm là ở chỗ nó đưa ta vào con đường mê tín. Tượng to, lễ hội nhiều, mà không hiểu và làm theo những điều đức Phật dạy thì vẫn không hưởng được những lợi lạc thực sự mà đức Phật muốn đưa lại cho chúng ta.

Xoay chuyển trong tâm sẽ thay đổi rất nhiều

Người khác làm điều xấu thì mình bực tức cũng là thường tình?

Đúng là thường tình, nhưng vấn đề là đó có phải là xấu thật không, hay chỉ xấu  theo cái nhìn “của ta” mà có chắc là cái nhìn “của ta” ấy có chính xác không.

Có lần tôi ra đường, gặp một ông đèo thanh gỗ dài, va phải, thế là mình ngã. Phản xạ đầu tiên là đau, sợ và cáu. Nhưng nhìn lại, thấy ông ta trông rất tội, lại đi cái xe cũ nát, thế là tôi nghĩ chắc ông ấy nghèo lắm, bắt buộc phải làm cái việc này chứ chẳng sung sướng gì. Tự dưng hết bực, chỉ thấy thương. Và vì thế mà trong lòng thấy nhẹ nhõm. Chứ lúc đấy mà mình cáu, nói điều gì xúc phạm, ông ta cũng nóng lên, thành ra xô xát, thì còn bực bội thêm nữa. Chỉ một tí ti xoay chuyển trong tâm là sẽ thay đổi rất  nhiều.

Với những kẻ làm điều độc ác, giết người, những kẻ tham ô tham nhũng làm hại đất nước, làm sao mà thương được?

Những người đó, cũng vì tham, tham vật chất, tham danh vọng, mà họ chà đạp lên nhân phẩm, làm những điều ác. Tham là tội lỗi đầu tiên làm con người khổ. Mình đã may mắn nhận thức được đâu là tốt, xấu thì trước hết mình sẽ tránh điều xấu, cố gắng làm những điều tốt.

Còn với những người làm điều ác, tôi chỉ thấy kinh sợ, vì biết là gieo nghiệp ác như thế, chắc chắn họ sẽ phải trả giá rất đắt. Điều đó không thể tránh khỏi vì nó là nhân quả, có vay có trả, không sai đi đâu được. Dù họ có vô tình hay cố tình không nhận ra thì vẫn sẽ đến lúc phải trả. Mình nhìn ra, nên chỉ thấy sợ, thấy thương cho họ.

Chứ không làm thế nào để họ đừng làm điều xấu nữa?

Nhiều khi con người ta hành động như vậy hoàn toàn không phải do họ chọn, mà một phần là do nghiệp dẫn. Tốt nhất là chính mình hãy sống tử tế, có đạo đức để có thể lôi cuốn nhiều người theo mình.

Làm sao để những người tốt trở thành số đông thì sẽ bớt đi những người xấu. Người xấu cũng là tấm gương để mình biết sợ, biết tránh không làm những điều ác. Đó là những bài học phản diện. Chúng ta gặp nhau hôm nay cũng nhờ duyên lành. Nếu những gì tôi chia sẻ khiến bạn nhận ra và thay đổi thì đó là điều may mắn.

Tại sao, xã hội hiện đại, con người hiểu biết hơn, nhiều kiến thức hơn, vậy mà lại không nhận biết được thế nào là tốt – xấu cho bản thân mình?

Đạo đức và tri thức khoa học là khác nhau. Nghiên cứu khoa học thì người ta quan tâm đến thành tựu mà nhiều khi bỏ qua mặt trái của nó. Còn đạo đức thì luôn phải nghĩ đến người khác, nghĩ đến mọi vật xung quanh. Cái cây, hòn đá, con sông…ở đó là có lý của nó.

Phải hiểu quy luật để sống hòa hợp với thiên nhiên, với vạn vật. Đừng cho mình là trung tâm, là tài giỏi mà có quyền dời sông lấp biển. Thực chất đó là tàn phá môi trường. Chúng ta đang phải trả giá vì đã tàn phá thiên nhiên.

Vui trong tâm mới là vui thực sự

Vì nghĩ nhiều đến bản thân, đến việc thỏa mãn nhu cầu của cá nhân nên con người càng khó hạnh phúc?

Tiện nghi, công nghệ là những thành quả của khoa học, của cuộc sống hiện đại. Nhưng chính nó lại làm cho con người trở nên phụ thuộc, không thể sống thiếu chúng và từ đó dễ thấy khổ. Quen sướng rồi thì rất khó chịu khổ. Ở phòng điều hòa rồi thì mất điện một lúc là không chịu nổi.

Tất cả những thứ vật chất đó là sự sung sướng của ngũ quan, phải vượt lên được thì mới sống vui trong tâm. Vui trong tâm mới là cái vui thực sự, hạnh phúc thực sự.

Vì thế mà ngày nay nhiều người rất giàu, nhưng lại không thấy hạnh phúc?

Đó là bởi họ không có sự thanh thản trong lòng. Con người ta nghĩ đến bản thân mình nhiều quá. Làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của bản thân, đến việc mình sẽ được gì… thì mới làm.

Ngay từ gia đình cũng vậy. Bố mẹ chỉ nghĩ đến bản thân, yêu nhau thì hết mình, đến lúc không thích thì bỏ, nào có nghĩ đến trách nhiệm với gia đình, với con cái. Sống mà không có tri ân, báo ân, lúc nào cũng thấy mình là trung tâm nên mới sinh ra nhiều vấn đề.

Cách đây mấy nghìn năm, đức Phật đã nhìn ra tất cả những điều đó, còn chúng ta ngày nay lại rất khó thấy?

Đấy là vì tâm của chúng ta ít trong sáng nên rất khó giác ngộ. Tâm giống như mặt nước phẳng lặng, càng trong thì ta nhìn mọi vật càng chính xác.

Ngay chính bản thân mình, chúng ta nhận thức cũng chưa đến nơi đến chốn. Con người là một phần của vũ trụ. Cái ta hôm nay là kết quả của những nghiệp lành và cả nghiệp ác mà ta đã gieo từ bao nhiêu đời trước. Và những gì ta làm hôm nay là gieo mầm cho tương lai. Nếu nhận thức được như thế, con người ta sẽ phải biết sợ, biết sống có trách nhiệm.

Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
back to top