Rạng sáng ngày 10/9/2024, một trận lũ quét kinh hoàng tràn qua đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai gây tổn thất, đau thương không kể xiết cho người dân nơi đây. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân gây nên thảm họa ở Làng Nủ là lũ bùn đá.
Khu vực tìm kiếm nạn nhân ở Làng Nủ rất rộng do nhiều điểm sạt lở rộng, dài, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. (Ảnh: TTXVN) |
Sức phá hủy tàn khốc của lũ bùn đá
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Ngô Văn Liêm, Trưởng bộ môn Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, lũ bùn đá (debris flow) thường xảy ra trong những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày tại các lưu vực suối ở vùng núi, nơi có địa hình dốc, vỏ phong hóa/tầng đất dày.
Lũ bùn đá thường phát sinh từ khu vực thượng nguồn các khe suối nhỏ, nơi khe suối cắt vào tầng vỏ phong hóa dày với trắc diện dọc khá dốc, làm phát sinh các khối trượt - lở đất (vùng phát sinh và tạo nguồn vật liệu). Trên đường di chuyển khá nhanh dọc khe suối (vùng vận chuyển), vật liệu trượt lở (bùn đá) “đào khoét” đáy và sườn thung lũng, tiếp tục cuốn theo các vật liệu vừa bị phá hủy, đặc biệt là vật liệu từ các khối trượt mới dọc hai sườn thung lũng và “tuôn chảy” ra vùng cửa suối (vùng tích tụ và gây thiệt hại chính).
Mô hình khái quát của dòng lũ bùn đá (gồm 3 bộ phận chính: khu vực phát sinh/khu vực cung cấp nguồn vật liệu bùn đá, khu vực vận chuyển và khu vực tích tụ và gây thiệt hại chính). |
Mức độ nguy hiểm của các trận lũ bùn đá này trở nên mạnh mẽ hơn khi các lưu vực suối có những đoạn mở rộng và thu hẹp xen kẽ nhau. Trên những đoạn thu hẹp đó có thể hình thành các “đập chắn tạm thời” do ùn tắc các nguồn vật liệu khác nhau như thân cây, rác và phổ biến hơn cả là do đất đá từ các khối trượt lở dọc hai bên sườn thung lũng suối đổ xuống,...
“Các đập chắn tạm thời thường sẽ mau chóng bị phá vỡ do quá tải. Việc phá vỡ các đập tạm thời tạo hiệu ứng domino cộng với hình thái lưu vực suối ở phần cuối bị thắt hẹp lại càng tạo ra dòng vật chất (nước và bùn đá, rác,…) có năng lượng và sức công phá lớn hơn khi tới vùng tích tụ - thường là nơi cư trú của cư dân miền núi”, TS Ngô Văn Liêm cho hay.
Ảnh vệ tinh Sentinel 2 (ngày 19/9/2024) thể hiện dòng lũ bùn đá và các khối trượt lở đất gây thảm họa ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai (ngày 10/9/2024). |
Về thông tin cho rằng đã có hai tiếng nổ lớn trước khi lũ ập xuống và tiếng di chuyển lục cục của đất đá trong dòng lũ bùn đá tại Làng Nủ, TS Ngô Văn Liêm nhận định, tiếng nổ thứ nhất có thể là do khối trượt lở đất, đá lớn ở phía gần đỉnh của khối núi Con Voi (nơi xuất phát của dòng bùn đá, khối trượt lở 1).
Tiếng nổ thứ hai có thể do sự phá vỡ một đập chắn tạm thời được hình thành ở đoạn thắt gần cuối thung lũng (cách làng Nủ 400-500m). Đập chắn này (nếu có) được hình thành do nguồn vật chất từ các khối trượt lở trên sườn thung lũng (khối trượt lở 2) cùng các vật liệu do dòng chảy suối mang đến. Đập chắn này có thể được hình thành không lâu trước đó, hoặc có thể chỉ ngay sau khi khối trượt lở ở phía trên đỉnh xảy ra đã kích thích gây ra khối trượt lở 2 (?).
“Đây là những thông tin rất quý cho nhận định hiện trạng và cho cảnh báo thảm họa lũ bùn đá”, TS Liêm cho hay.
Dấu hiệu cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá
Theo TS Ngô Văn Liêm, với thảm họa xảy ra tại Làng Nủ, chiều dài lưu vực không lớn (khoảng 3km), nhưng khu vực này có độ dốc cao nên vận tốc dòng bùn đá là rất lớn. Vì vậy, rất khó có biện pháp cảnh báo tức thời đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt, lũ lại thường xảy ra vào buổi đêm đến gần sáng, rất khó phát hiện để cảnh báo sớm.
TS Ngô Văn Liêm, Trưởng bộ môn Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Cách phòng tránh tốt nhất là tránh xây dựng các khu dân cư ở phía dưới các cửa suối hoặc/và các khu trũng/thung lũng giữa núi. Đây thường là các bề mặt nón tích tụ lũ tích cổ (proluvial fan) hay nói cách khác, đó chính là sản phẩm tích đọng của các trận lũ trong những giai đoạn trước đây. Lũ xảy ra có tính chu kỳ và sẽ lặp lại nên cần tránh xây dựng các công trình trên các khu vực này.
Nếu không có sự lựa chọn nào khác tốt hơn, vẫn phải sống ở các khu vực như nói ở trên thì khi có dự báo mưa to, đặc biệt là mưa to liên tục nhiều ngày, việc tìm chỗ tránh trú trước là biện pháp khả thi và tốt nhất có thể.
Còn trong trường hợp không tránh trú trước được thì cần phải lưu ý một số dấu hiệu (có thể có) “trước” khi lũ quét – lũ bùn đá xảy đến như: có tiếng nổ lớn xuất phát từ phía trên của con suối kèm theo tiếng ầm ầm; mặt đất có những rung động bất thường; có mưa lớn nhưng dòng nước suối lại giảm đi đột ngột hoặc không tăng đáng kể so với lúc trước khi mưa và nước trở nên đục ngầu, mang theo nhiều bùn đất và các mảnh vụn; xuất hiện các vết nứt trên mặt đất, trên tường, trần nhà…
“Thấy những dấu hiệu bất thường như trên thì người dân phải khẩn trương thông báo với những người xung quanh và tìm chỗ tránh trú ở những vị trí trên cao và phía xa khu vực dòng chảy suối (theo phương vuông góc với dòng chảy suối)”, TS Ngô Văn Liêm khuyến cáo.
Theo TS Ngô Văn Liêm, cần lưu ý tới những vết nứt trên đồi, núi. Thường đây là một “chỉ dấu” quan trọng về việc sắp có sạt lở.
Dù vết nứt ở mức độ nào cần di dời thì phải có những nghiên cứu đánh giá cụ thể tùy điều kiện địa chất, địa hình và nhiều điều kiện khác của khu vực đó, tuy nhiên, với các hộ dân sống ở khu vực dưới chân các đồi, núi, đặc biệt là các hộ cắt xẻ phần chân sườn các đồi, núi (nơi có lớp vỏ phong hóa/đất dày) để xây dựng nhà cửa, khi phát hiện các vết nứt trên đồi cỡ một vài mét là phải xem xét di dời.
Đặc biệt vào những ngày mưa lớn, kéo dài, nhiều khi không phát hiện vết nứt trước đó cũng nên chú ý di dời bởi vết nứt có thể hình thành và gây trượt lở trong thời gian rất ngắn.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về việc phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, GS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đưa ra 3 lưu ý. Điều đầu tiên, bà con cần phải tự trang bị kiến thức. Thứ hai là thành lập các tổ phòng tránh thiên tai trong cộng đồng. Thứ 3 là phải tuân thủ pháp luật. Chẳng hạn, khi chính quyền bảo di dời thì phải di dời, cấm đường là không được đi. Về phía chính quyền, cần phải lồng ghép vấn đề sạt lở vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành. Chẳng hạn với những vùng có nguy cơ thì quy hoạch dân cư thế nào, giao thông, rồi sản xuất… ra sao. “Chứ không thể “duy ý chí”, cho xây dựng ở những vùng có nguy cơ cao được’, ông Dũng nhấn mạnh. |