Vua Lý Anh Tông.
Hậu cung lạnh lẽo
Đỗ Anh Vũ cũng là đại thần gây nhiều tranh cãi. Tương truyền, ông đã tư thông với Linh Chiếu Thái hậu, mẹ Lý Anh Tông, người giữ vai trò nhiếp chính khi ấy và việc này khiến cho cung đình nhà Lý xảy ra một cuộc nội loạn gây nhiều tổn hại trong chính quyền.
Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện tình ái này là do khi vua Lý Thần Tông băng hà ở tuổi 22, Lý Anh Tông lên ngôi lúc chỉ mới 2 tuổi. Mọi việc chính sự gần như do Đỗ Anh Vũ quyết định.
Vua Thần Tông ra đi đã khiến Hoàng hậu và các phi tần hầu hết đang ở tuổi xuân xanh phải chịu cảnh góa bụa… Đến năm 1150, khi vua Lý Anh Tông 14 tuổi thì các Hoàng hậu và phi tần đã phải chịu cảnh lạnh lẽo suốt 12 năm dài.
Riêng Lê Thái hậu, việc này quả là quá sức chịu đựng. Ngay khi Lý Thần Tông còn sống, Lê Thái hậu vẫn cảm thấy thiếu thốn trong chuyện gối chăn.
Lúc này, Đỗ Anh Vũ đang ở tuổi tráng niên, sức sống hừng hực, ngoại hình lại đẹp và vốn đa tình, đã có thê thiếp đàng hoàng nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. Biết rõ tình cảnh trong cung, lại sẵn quyền hành trong tay, nhưng nghĩ tư thông với mẹ vua là chuyện tày đình, nên Đỗ Anh Vũ rất khôn ngoan.
Đỗ Anh Vũ thường sai vợ là Tô Thị, vốn hiền lành, kín đáo lại biết nghe lời vào hầu hạ người chị gái là Đỗ Thái hậu (mẹ vua Lý Thần Tông). Do cung điện Đỗ Thái hậu ở sát cung điện Lê Thái hậu nên vài lần theo vợ vào thăm chị, Đỗ Anh Vũ đã có dịp gặp riêng Lê Thái hậu.
Trước đó khi 16 tuổi, Lý Thần Tông cho Đỗ Anh Vũ vào nội cung, hầu trong màn trướng, gặp Đỗ Anh Vũ, vợ Lý Thần Tông đã phải lòng rồi… nên lần này có điều kiện, hai đôi mắt đã dán chặt vào nhau và cả hai tìm đủ mọi cách để gặp gỡ và ân ái. Chuyện tình nồng thắm đến mức bị bại lộ… Đỗ Thái hậu và các vợ của Đỗ Anh Vũ có biết nhưng đành im lặng.
Bị xử tội, truất làm tá điền
Quyền chức trong tay, lại thân thiết với cả hai Thái hậu nên Đỗ Anh Vũ ngày càng tỏ ra kiêu căng trong triều. Bởi thế, nhiều người rất bất bình và căm giận.
Quan Điện tiền Đô chỉ huy sứ là Vũ Cát Đái cùng với Trí Minh vương, Phò mã Dương Tự Minh… đốc xuất quân sĩ kéo đến kể tội Đỗ Anh Vũ với vua, rồi xông vào bắt giam ông ở hiên Cụ Thánh.
Lê Thái hậu âm thầm sai người lấy danh nghĩa người nhà Đỗ Anh Vũ mang cơm rượu vào cho người tình. Không những thế, bà còn để vàng tốt vào đồ đựng thức ăn để Anh Vũ đút lót Vũ Cát Đái và những người canh giữ.
Viên Hỏa đầu ở đô Cụ Thánh là Nguyễn Dương khuyên Vũ Cát Đái không nên nhận vàng mà giết luôn để trừ hậu họa nhưng vị quan này không nghe, Dương bèn tự vẫn.
Chuyện đã rõ, nhưng vua Anh Tông không giết Đỗ Anh Vũ mà xử tội, truất làm tá điền ở vùng Cảo Xã, nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Lê Thái hậu ngày đêm lo buồn và tìm mọi cách để phục chức cho người tình, nhiều lần mở hội lớn để vua ân xá cho tội nhân, mong Anh Vũ cũng được dự ân xá. Kế đó, sau nhiều lần ân xá bớt tội, bà khuyên vua Anh Tông phục chức cho người tình, vua bằng lòng, Anh Vũ trở lại chức Thái úy, được vua trọng dụng hơn trước.
(còn nữa)
Nguyễn Thành Hữu