Thái Nguyên: Vì sao mỏ cát Đồng Ngọc - Hà Châu bị cản trở khai thác?

Việc khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thuộc địa bàn xã Nga My và Hà Châu, huyện Phú Bình, được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép, nhưng vấp phải sự phản ứng của người dân.

Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xây dựng Hà Nội đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để phục vụ khai thác cát, sỏi. Thế nhưng, khi đưa máy móc vào mỏ, doanh nghiệp nhiều lần bị phản đối. Không ít lần xảy ra xô xát giữa người dân với nhân viên của doanh nghiệp.

Chưa có tiếng nói chung, nhiều lần xảy ra xô xát

Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, mỏ khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng Nga My - Đồng Ngọc được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xây dựng Hà Nội từ năm 2016. Quy mô diện tích đất sử dụng của dự án khoảng 31 ha, diện tích khu vực khai thác 29,3 ha, công suất khai thác 36.000 m3/năm, tổng trữ lượng gần 700.000 m3. Tổng mức đầu tư trên 10,5 tỷ đồng.

Ngày 7/7/2017, mỏ này được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Đầu năm 2019, đơn vị chủ mỏ được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên giao đất thực địa. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xây dựng Hà Nội chưa triển khai khai thác. Đến tháng 1/2023, đơn vị này có hợp đồng chuyển quyền cho Công ty TNHH Cường Đại (gọi tắt là Công ty Cường Đại, ở phường Ba Hàng, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) khai thác.

Sau khi hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật, Công ty Cường Đại cùng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng lập biên bản xác định vị trí tại thực địa mỏ cát sỏi xã Nga My và Hà Châu. Xác định được mốc giới, Công ty Cường Đại xây dựng hàng rào tôn bao quanh phần diện tích đất được giao.

Người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát sỏi.

Người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát sỏi.

Tuy nhiên, việc làm này đã vấp phải sự phản ứng của một số hộ dân. Khi doanh nghiệp tiến hành các hoạt động khai thác, một số người dân xóm Đồng Ngọc cản trở quyết liệt, dẫn đến không ít lần xảy ra xô xát giữa người dân với nhân viên của doanh nghiệp.

Gần nhất, ngày 11 và 12/3, trong khi một số nhân viên của Công ty Cường Đại dùng máy xúc san gạt khu đất trống ven sông, 40 - 50 người, bao gồm cả phụ nữ, người già và trẻ em, cầm cuốc, gậy, dao, liềm lao vào công trường xô đẩy, đe doạ, cự cãi qua lại với nhân viên đang làm việc. Sự việc chỉ lắng xuống khi lượng công an đến khuyên giải, giải tán đám đông.

Tại hiện trường, chia sẻ với PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, một số người dân cho rằng, doanh nghiệp chỉ được phép san gạt, khai thác đối với phần đất đã mua lại của dân. Phần đất mặt nước và đất bờ bãi ven sông, doanh nghiệp phải thỏa thuận với dân.

Vì phần đất doanh nghiệp được cấp để khai thác cát sỏi nằm giữa đất canh tác của người dân với dòng sông Cầu, người dân nêu quan điểm, việc doanh nghiệp lập rào chắn sẽ làm ảnh hưởng hoạt động canh tác, chăn thả gia súc của họ.

Khu vực khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thuộc địa bàn xã Nga My và Hà Châu, huyện Phú Bình.

Khu vực khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thuộc địa bàn xã Nga My và Hà Châu, huyện Phú Bình.

Ông Phan Văn Soi (xóm Chảy, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), nói: “Từ xưa đến nay, chúng tôi vẫn đi đường rìa sông lấy nước lên cho bãi soi hoặc đi lại thuận tiện. Đặc biệt, thời điểm hạn hán, chúng tôi có thể bơm nước lên ruộng ở khu vực này. Ngoài ra, bãi sông còn là nơi để bà chăn thả gia súc".

Theo ông Đồng Văn Mùi, Phó Giám đốc Công ty Cường Đại, kiêm Giám đốc mỏ cát sỏi Nga My - Đồng Ngọc, công ty đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ pháp lý, cũng như đóng đầy đủ các loại phí theo quy định của pháp luật. Đơn vị này cũng được cấp GCNQSDĐ để thực hiện việc khai thác cát sỏi với tổng diện tích 34.789,6 m2, trong đó, bao gồm cả phần diện tích mặt nước và phần diện tích đất bãi bồi ven sông. Tất cả đều có sơ đồ, mốc giới rõ ràng.

“Khi công ty khai thác, người dân ngăn cản, chửi bới, đe doạ, hành hung chúng tôi là trái pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng rất lớn chính sách thu hút đầu tư của huyện, cũng như tỉnh. Cơ quan chức năng cần sớm xử lý nghiêm minh trước pháp luật”, ông Mùi nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Công ty Cường Đại, đơn vị này đã làm đơn trình báo gửi cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.

Chính quyền địa phương lên tiếng

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Hoàng Văn Oanh - Chủ tịch UBND xã Hà Châu - khẳng định, mỏ cát Đồng Ngọc - Hà Châu đã hoàn tất thủ tục pháp lý, đủ điều kiện để hoạt động.

Để công khai, minh bạch vị trí ranh giới mỏ đã cấp, tránh tình trạng làm mất an ninh trật tự, chủ mỏ cát sỏi, chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng của huyện, tỉnh đã tổ chức công khai cắm mốc trước sự chứng kiến của các hộ dân có đất canh tác tại khu vực lân cận. Mặc dù trước đó xã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, nhưng triển khai cắm mốc ngoài thực địa, nhiều người dân vẫn phản ứng gay gắt, dẫn đến việc cắm mốc phải tạm dừng để đảm bảo an ninh trật tự.

Cũng theo ông Oanh, vì chưa có tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người dân, thời gian qua, tại khu vực mỏ cát xóm Đồng Ngọc xảy ra một số vụ việc làm ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự với mức độ, tần suất ngày càng phức tạp.

UBND xã tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân không nên tụ tập đông người, tránh những hành động quá khích để xảy ra hậu quả không mong muốn. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý tình huống không mong đợi.

Mặt khác, lãnh đạo xã cũng báo cáo cấp trên để có phương án xử lý tốt nhất, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Theo Đời sống
back to top