Thạch Thất: Chính quyền "nhắm mắt", doanh nghiệp xây dựng cụm công nghiệp chui

(khoahocdoisong.vn) - Tại xã Yên Bình, Thạch Thất, nhiều doanh nghiệp tự ý xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đất ở... và hình thành nên một Cụm Công nghiệp tự phát. Sự việc diễn ra nhiều năm nay, nhưng dường như chính quyền vẫn đang ngoài cuộc.

Chủ tịch xã: Có cụm công nghiệp "chui" 

Theo ghi nhận của PV, cụm công nghiệp "chui" tại thôn Dục, xã Yên Bình, Thạch Thất xuất hiện với hàng loạt công trình nhà xưởng đã triển khai xây dựng và đi vào hoạt động trên đất nông nghiệp. Tình trạng này diễn ra thời gian dài nhưng chính quyền địa phương lại không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, quyết liệt.

Tại cụm công nghiệp "chui" này, các khu xưởng được phân khu, chia ô rõ ràng, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép chịu lực cỡ lớn và được bắn tôn chắc chắn. Hệ thống khu xưởng tại đây có vị trí giao thông thuận lợi, quy mô lớn, kiên cố. Đặc biệt, “cụm công nghiệp” này không nằm trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đã được cơ quan chức năng phê duyệt; chưa đủ điều kiện pháp lý để xây dựng hạ tầng, chưa có giấy phép hoạt động.

Hàng loạt nhà xưởng xây dựng trái phép tại thôn Dục, xã Yên Bình, Thạch Thất.

Hàng loạt nhà xưởng xây dựng trái phép tại thôn Dục, xã Yên Bình, Thạch Thất.

PV Báo KH&ĐS đã có buổi làm việc với ông Đặng Hồng Ngọc – Phó Chủ tịch UBND Xã Yên Bình. Ông Ngọc thừa nhận: “Hiện tại xã Yên Bình chưa có cụm công nghiệp nào, theo quy hoạch phát triển nông thôn mới ở khu vực đấy (khu vực xây dựng nhà xưởng trái phép) là đất ở nông thôn. Tất cả các doanh nghiêp trên đều xây dựng trên đất ở nông thôn, đất thổ cư, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sử dụng. Sau đó, các hộ chuyển nhượng lại cho người khác chứ không phải xây dựng trên đất nông nghiệp”.

Khi được hỏi, việc các doanh nghiệp xây dựng và hoạt động sai phạm trên địa bàn, UBND xã  đã nắm bắt và xử lý như thế nào? Ông Ngọc cho biết, do địa bàn xã rộng gần 20km và "khu đó cũng khuất dãy đồi, nên họ cũng tranh thủ sớm tối xây dựng nhà máy, xưởng, thôn phát hiện chậm. Sau khi phát hiện được thì các nhà xưởng cũng đã hoàn thiện khung, mái nên UBND xã đã tiến hành lập biên bản, lập hồ sơ từng bước xử lý theo quy định. Cái sai ở đây là có doanh nghiệp xây dựng ngoài diện tích đất ở, có xây dựng vượt ra ngoài diện tích đất vườn 50 năm, xây vượt hạn mức... Và các nhà xưởng này chưa được cấp giấy phép xây dựng".

Bên cạnh đó, xã Yên Bình cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới và diện tích các doanh nghiệp này cũng không nằm trong vùng quy hoạch phát triển Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của xã và của huyện Thạch Thất - ông Ngọc cho biết.

Nhưng sẽ “hợp lý hóa sai phạm”?

Về xử lý những sai phạm nêu trên, ông Ngọc cho biết, Công an huyện Thạch Thất đã làm việc, lập hồ sơ về việc xây dựng sai phép, còn đình chỉ hoạt động các đơn vị vi phạm là không dễ dàng, vì còn liên quan đến con người, tiền nong. "Do người dân xung quanh làm ăn, lao động tại đấy, giờ đình chỉ người ta thì mọi người đều chết đói cả?" - ông Ngọc nêu quan điểm.

Ông Đặng Hồng Ngọc – Phó Chủ tịch UBND Xã Yên Bình, trao đổi với PV

Ông Đặng Hồng Ngọc – Phó Chủ tịch UBND Xã Yên Bình, trao đổi với PV 

Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình, dù có sai phạm, nhưng doanh nghiệp đã bỏ tiền, bỏ vốn đầu tư, và theo chủ trương thì xã cũng muốn khuyến khích các doanh nghiệp đến để phát triển. Nên doanh nghiệp cũng có đề xuất, cụ thể là đề nghị điều kiện để các doanh nghiệp có thời gian xin được cấp phép và chuyển đổi mục đích đất.

Hiện các doanh nghiệp này đã cung cấp được cho xã các hồ sơ, thủ tục liên quan để trình các sở, ngành nhằm xin cấp phép xây dựng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Xây dựng như vậy là sai, nhưng ngoài cái lý còn có cái tình nên xã cũng để cho doanh nghiệp một khoảng thời gian "lo liệu” giấy tờ . Nếu không “lo” được giấy tờ, xã phải thực hiện cưỡng chế. Về phần doanh nghiệp cũng cam kết, nếu không “chạy” được giấy tờ theo quy định thì doanh nghiệp cũng chấp hành việc tự giác tháo dỡ - ông Ngọc cho biết.

Theo ông Ngọc, trước đó, xã Yên Bình không quy hoạch xây dựng công nghiệp, chỉ chú trọng sản xuất nông nghiệp kết hợp thương mại dịch vụ là chính. Để đảm bảo theo sự phát triển chung của địa phương, UBND xã cũng đã có những đề xuất điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó, UBND xã đang đề xuất với phòng Quản lý đô thị nội dung trong giai đoạn 2020-2025, sẽ thành lập Cụm công nghiệp tại khu vực thôn Dục, nơi các doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng.

Theo Điều 57, Luật đất đai năm 2013 quy định: 1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;..d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Chưa biết, UBND xã Yên Bình, UBND huyện Thạch Thất, UBND thành phố Hà Nội sẽ hợp lý hóa sai phạm nêu trên như thế nào? Tuy nhiên, hiện tại, công nhân vẫn đang lao động trong những nhà xưởng xây dựng trái phép, không một cơ quan nào thẩm định về an toàn, cháy nổ...

Trước đó đầu năm 2018, gia đình ông Đặng Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất đã tự ý tiến hành san lấp trái phép hàng trăm mét vuông đất ruộng, đổ đất và thuê người kè bờ lấn chiếm thêm vào lòng suối 1m. Ngày 7/5, tại hội nghị ban chấp hành mở rộng của Đảng ủy xã Yên Bình xác nhận vi phạm này. Nhưng hình thức xử lý đối với ông Ngọc mới chỉ dừng ở mức phê bình, kiểm điểm. 

Sau này, ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, đã giao cho Thanh tra huyện và phòng TNMT kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm của gia đình ông Đặng Hồng Ngọc. Tuy nhiên, hiện UBND huyện Thạch Thất vẫn chưa công bố kết quả xử lý này.

Theo Đời sống
back to top