<div> <p>Chiếc xe ba gác lỉnh kỉnh chở đồ đạc rẽ vào con đường đá đỏ nằm gần sông Vàm Cỏ Tây, cách trụ sở xã Tuyên Bình 3 km, sau đó đỗ trước khu dân cư với hơn 20 chục nóc nhà vừa xây xong. Gương mặt tươi cười, anh Tăng Văn Kha (38 tuổi) nhanh chóng dỡ đồ đạc xuống xe. Mất cả buổi sáng, căn nhà cấp 4 mới toanh, rộng gần 60 m2, một phòng khách, một phòng ngủ cùng gian bếp đồ đạc mới được xếp đầy.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Khu nhà ở vừa xây mới của 70 hộ Việt Kiều ở cụm dân cư liên xã Vĩnh Bình - Tuyên Bình. Ảnh: Hoàng Nam" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/22/4-jpg-9364-1579847374.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Khu nhà ở vừa xây mới của 71 hộ Việt Kiều ở cụm dân cư liên xã Vĩnh Bình - Tuyên Bình. Ảnh: <em>Hoàng Nam</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Ở trước nhà, mớ bánh mứt, hoa nhựa bán Tết treo lủng lẳng phía trên, trong khi rau củ, trái cây bày trên sạp gỗ bên dưới". "Nhà em bán tạp hóa nhỏ, chủ yếu cho bà con Việt kiều trong xóm, mỗi ngày tiền lãi chỉ hơn 100 nghìn đồng", anh Kha nói.</p> <p>Anh Kha sinh ra, lớn lên tại Biển Hồ Tonle Sap. 15 năm trước, anh cùng vợ rời Biển Hồ do việc đánh bắt cá ngày càng khó khăn. Gia đình anh vượt đường sông suốt 7 ngày đêm, đến Vĩnh Bình thuê đất cất tạm căn chòi lá, mỗi năm phải trả cho chủ 4 triệu đồng. Năm ngoái, vợ chồng anh cùng hai con gái, đứa lớn 15 tuổi, nhỏ 10 tuổi nhận tin vui khi nằm trong danh sách Việt kiều được địa phương hỗ trợ cất nhà. Họ sẽ được xã hỗ trợ nền và xây nhà cấp bốn để tạm cư trong thời hạn 10 năm, sau đó sẽ tiếp tục có chính sách khác.</p> <p>Những ngày cuối năm, để vợ ở nhà buôn bán, anh Kha tranh thủ phụ hồ quanh xóm để kiếm thêm chút tiền ăn Tết, cũng là tích cóp cho hai con, đứa lớp 7, đứa lớp 8 ăn học.</p> <p>Cách nhà anh Kha vài căn, bà Ngô Thị Hoảnh (78 tuổi) cũng đang lui cui dùng chổi lông gà quét dọn bàn thờ chồng. Bà là một trong những Việt kiều lớn tuổi nhất ở xóm này, đã dành gần trọn đời người sống ở Biển Hồ. </p> <p>20 năm trước, chồng bà Hoảnh qua đời sau thời gian bạo bệnh, với ước nguyện trở về cố hương còn dang dở. Do mấy năm liền gặp mưa bão, không đánh bắt cá được nhiều, bà Hoảnh cùng 6 đứa lâm vào cảnh khánh kiệt, sống lây lất trên chiếc ghe rách nát. Bà ứa nước mắt chôn chồng bên doi đất ven sông ở Kangdieng, Pursat, Campuchia, rồi cùng các con xuôi dòng Mekong về xã Tuyên Bình, thuê đất cất nhà tạm.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="bà Ngô Thị Hoảnh thắp hương cho chồng ngày cuối năm. Ảnh: Hoàng Nam." src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/01/tet-viet-kieu-4928-1579871590.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Bà Ngô Thị Hoảnh thắp hương cho chồng ngày cuối năm. Ảnh: <em>Hoàng Nam.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Hai tháng trước, bà cùng con trai thứ ba dọn sang ở trên cụm dân cư. Gần cả đời người lưng đã quen với từng con sóng lắc lư ở Biển Hồ, về Việt Nam, bà lại ở nhà sàn tạm bợ bằng tre lá, vào mùa mưa gió căn nhà lại rung lắc như đang nằm ngủ trên ghe. Thế nên, mấy đêm đầu mới dọn về, bà bảo phần vừa mừng vì có nhà mới, phần vì lưng không quen với nền nhà đất quá êm, nên không ngủ được.</p> <p>Sau khi dọn vô ở nhà mới, bà cùng các con trở lại Biển Hồ mang tro cốt chồng về như di nguyện lúc ông còn sống. "Mồ mả ông cha bên đó giờ qua nhiều năm bị thất lạc hoặc sạt lở xuống sông hết. Tôi buồn nhưng cũng mừng phần nào, vì suốt ba đời rồi, giờ ông nhà tôi mới có được chỗ an nghỉ đàng hoàng", bà nói.</p> <p>Bây giờ, mỗi ngày bà Hoảnh ở nhà nấu cơm, giữ nhà cho con, cháu đi làm. Từ sau khi bà dọn vào chỗ ở mới, các con cháu sống ở gần đó dù hoàn cảnh không dư dả gì, cũng phụ chút ít mua trả góp tivi, tủ lạnh, bếp ga để bà đỡ vất vả khi tuổi đã xế chiều.</p> <p>Buổi chiều nắng vẫn còn gay gắt, bà Huỳnh Thị Vàng (60 tuổi) đội nón ra phía trước nhà trở mớ lục bình vừa cắt phơi khô bán nốt dịp Tết. Mỗi ngày, hai vợ chồng bà đều bơi xuồng ven sông cắt lục bình, rồi về phơi bán, mỗi ngày kiếm khoảng 200 nghìn đồng.</p> <p>Bà Vàng hiện sống cùng chồng và đứa cháu 5 tuổi trong căn nhà mới được cấp khoảng ba tháng nay. Đã là những ngày cuối năm, thế nhưng ngoài chiếc bếp ga, một chiếc tủ gỗ cũ mèm cùng chiếc giường ọp ẹp ở phòng khách, căn nhà hầu như không có gì giá trị.</p> <p>Như hàng xóm, bà cũng từ Campuchia trở về Việt Nam sống đã 15 năm nay. Bà bảo, sau khi cưới vợ gả chồng cho 8 đứa con, nên dù sống chắt chiu, vợ chồng bà vẫn còn nợ hàng xóm vài chục triệu đồng. Tết năm nay, bà dự định chiều 30 Tết mới ra chợ mua vài chậu hoa giá rẻ chưng cho có không khí nhà mới.</p> <p>"Tết năm nào nhà nước cũng cho quà, cho gạo, năm nay cho nhà ở. Có nhà mỗi năm sẽ dư được mấy triệu tiền thuê đất. Miễn là cái nóc nhà nó không còn dột là tui mừng lắm rồi, mấy cái khác mình làm từ từ cũng có", bà Vàng lạc quan.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Bà Huỳnh Thị Vàng phơi lục bình bán, mỗi ngày hai vợ chồng kiếm 200 nghìn đồng. Ảnh: Hoàng Nam" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/23/dsc1725-jpg-7753-1579847375.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Bà Huỳnh Thị Vàng phơi lục bình bán, mỗi ngày hai vợ chồng kiếm 200 nghìn đồng. Ảnh: <em>Hoàng Nam.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Lãnh đạo UBND xã Tuyên Bình và Vĩnh Bình cho hay, do số hộ Việt kiều tạm trú trên địa bàn đông, nên xã xét theo ưu tiên những người sinh sống lâu năm sẽ vào ở trước. Nhiều năm qua, chỉ vài hộ trong số họ đã được cấp hộ tịch do đủ thời gian sinh sống tối thiểu tại địa phương và chứng minh được có nguồn gốc ở Việt Nam. Số người còn lại được xã cấp giấy tạm trú, đặc cách làm giấy khai sinh cho con em họ được đi học. Ngoài ra, xã còn phối hợp đồn biên phòng Tuyên Bình mở lớp xóa mù chữ cho nhóm trẻ vào buổi tối, giúp các em có điều kiện tìm công việc tốt hơn sau này.</p> <p>Long An có khoảng 300 hộ Việt kiều Campuchia với trên 1.000 người sinh sống chủ yếu tại các huyện biên giới. Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng chính quyền các tỉnh biên giới quan tâm đến nhóm người dân di cư tự do từ Biển Hồ trở về, đặc biệt là vấn đề khai sinh và học hành.</p> </div>