Tết ở Trường Sa dù nhớ nhà nhưng vẫn luôn đem lại cho cán bộ, chiến sĩ ở đây cảm giác ấm áp, sum vầy…
5 lần ăn tết ở đảo
Đến bây giờ trung tá Tuất đã đón 5 cái tết ở Trường Sa, trong đó có 4 lần liên tiếp (từ năm 2015 – 2018) ăn tết ở đảo Sơn Ca. Nhớ về cái tết đầu tiên vào năm 1997 ở đảo Nam Yết, anh kể khi đó cuộc sống trên đảo rất khó khăn, chưa có đủ điện và điện thoại nên việc liên lạc với gia đình ở quê chỉ bằng cách viết thư rồi gửi tàu tới 3 – 4 tháng ở nhà mới nhận được. Vui nhất là dịp trước tết, tàu ra đảo tiếp tế lương thực, mọi người tụ tập ở cầu cảng đón tàu, nhận và gửi thư về gia đình. Người may mắn nhận được thư nhà sẽ đọc cho mọi người nghe chung.
Anh Tuất kể thêm, thời đó dù thiếu thốn nhưng đơn vị vẫn cố gắng đảm bảo cho chiến sĩ đón một cái tết đầm ấm nhất. Trước tết, đơn vị tổ chức nấu bánh chưng. Đêm 30 tết tổ chức các hoạt động văn nghệ, làm cỗ tết. Mỗi mâm cỗ ở các phân đội gồm món ăn đặc trưng của nhiều vùng miền và được các chiến sĩ giới thiệu ý nghĩa từng món.
“Các chiến sĩ đến từ nhiều miền quê khác nhau nên tết ở Trường Sa mới có được những mâm cỗ độc đáo như vậy. Trong lúc chờ đón giao thừa, không có loa đài âm nhạc, anh em lấy hết nồi niêu xoong chảo trong bếp vừa gõ vừa hát”, anh Tuất kể và cho biết thêm bản thân anh sau thời khắc giao thừa lại viết thư cho vợ kể về nỗi nhớ niềm thương, về giây phút từ năm cũ qua năm mới thiêng liêng trên đảo. Đến bây giờ dù hơn 20 năm trôi qua nhưng anh Tuất vẫn còn lưu giữ những bức thư viết cho vợ từ đảo Nam Yết.
Kể tiếp về những lần đón tết ở đảo Sơn Ca, anh Tuất cho hay sau này cuộc sống ở trên đảo đã đỡ vất vả hơn. Vui nhất là sóng điện thoại đã phủ khắp các đảo ở Trường Sa nên việc liên lạc với gia đình, người thân dễ dàng hơn. Ngày tết ở đảo vẫn giữ được truyền thống mâm cỗ đủ món ăn ở khắp vùng miền. Sau thời khắc giao thừa, mọi người điện thoại về thăm hỏi, chúc tết gia đình rồi cùng nhau ra chùa Sơn Ninh trên đảo thắp hương cầu an và qua công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia một số hoạt động văn nghệ mừng xuân.
Độc đáo bánh chưng lá bàng vuông
Đón tết ở những đảo nổi như Sơn Ca tuy vất vả nhưng dù sao vẫn còn may mắn hơn so với những đảo chìm với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều. Thượng úy Nguyễn Văn Hùng, hiện công tác ở đảo Đá Thị vẫn nhớ những kỷ niệm đón tết ở đảo Núi Le B. Dù đơn vị và anh em chiến sĩ trên đảo cố gắng tạo không khí và những món ăn mang hương vị tết nhưng giữa mênh mông biển cả khiến nhớ nhà da diết. Anh Hùng kể thời khắc giao thừa dù đã cố gắng mạnh mẽ nhưng khi bà ngoại điện ra hỏi một câu “nhớ con gái không?” khiến anh – người đàn ông ngoài 40 tuổi, dạn dày gió sương – không nén được cảm xúc và bật khóc ngon lành vì nỗi nhớ vợ, con.
Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông ở đảo Song Tử Tây và Nam Yết
Dịp gần Tết Nguyên đán 2018, phóng viên chúng tôi may mắn được tham gia những chuyến tàu thay quân và cung cấp lương thực cho các đảo ở Trường Sa dịp tết. Đi tới những đảo nổi như Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết hay đảo chìm như Đá Nam, Đá Thị… đều thấy rộn ràng không khí chuẩn bị tết. Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) Bùi Đình Dương cho hay những chuyến tàu ra Trường Sa dịp tết sẽ mang đầy đủ hơi ấm và hương vị tết của đất liền ra với đảo như lương thực, bánh kẹo, mứt, giò chả, trái cây…, thậm chí cả cây quất, đào và các giỏ hoa phong lan đủ màu sắc để chiến sĩ, người dân ở các đảo chưng tết.
Quân và dân tham gia trò chơi bắt vịt ở âu tàu
“Những ngày tết, người dân và các chiến sĩ ở đảo nổi sẽ tham gia những trò chơi, cuộc thi như hái hoa dân chủ, cờ tướng, bóng chuyền, bóng bàn, nhảy bao bố, bắt vịt, bơi lội, trình diễn võ thuật… Không khí tết sẽ không khác gì ở đất liền”, ông Dương nói và cho hay chuyến tàu còn đưa các bộ đồ múa lân, ông địa để các chiến sĩ biểu diễn trong đêm giao thừa, sáng mùng 1 tết.
Các chiến sĩ trẻ tham gia trò chơi nhảy bao bố
Cũng như ở đất liền, tết ở Trường Sa không thể thiếu món ăn truyền thống của người Việt là bánh chưng. Tuy nhiên, ngoài nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong… thì điểm khác với đất liền là bánh chưng ở Trường Sa sẽ gói bằng lá bàng vuông – loại cây đặc trưng nhất ở các đảo. Ông Dương cho hay ở đảo thiếu lá dong, do đó bộ đội trên đảo đã nghĩ cách lót lá bàng vuông ở phía trong. Khi bánh được nấu chín, hương vị và màu xanh của lá bàng vuông quyện vào nhau tạo ra sự độc đáo của bánh chưng nấu ở Trường Sa.
14 lần đón tết ở Trường Sa
Do đặc thù quá trình công tác gắn liền với Trường Sa nên nhân viên hải đăng ở Công ty bảo đảm hàng hải Biển Đông và hải đảo (thuộc Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) là những người có thâm niên ăn tết ở quần đảo này lâu nhất. Tính đến tết năm nay, anh Nguyễn Đức Thanh, 46 tuổi (quê ở Hải Phòng), trưởng trạm hải đăng đảo Sơn Ca có tới 14 lần ăn tết tại các nhà đèn ở Trường Sa. Trong 9 điểm đảo mà hải đăng có mặt ở Trường Sa, anh Thanh đã kinh qua 7 điểm đảo là Trường Sa lớn, Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Sơn Ca, An Bang.
Anh Thanh kể, năm 1996, lần đầu tiên ăn tết ở Trường Sa tại đảo Đá Lát, cuộc sống vất vả vô cùng khi không có điện, điện thoại; thậm chí không có gói bánh chưng – món ăn đặc trưng dịp tết. Bây giờ cuộc sống trên các đảo nói chung và nhân viên hải đăng nói riêng cũng đỡ vất vả hơn. Nhiều tòa nhà hải đăng được xây dựng khang trang. Đón tết và tổ chức đón giao thừa chung với hải quân cùng những cư dân trên đảo nên tết của nhân viên hải đăng cũng bớt hiu quạnh hơn xưa.
Theo thanhnien.com.vn