Tết năm mới Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer. Chất nông nghiệp thấm đẫm trong niềm tin Phật giáo và Bàlamôn giáo.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmay” là “Năm Mới.” Theo quan niệm của đồng bào, đây là thời kỳ tiếp giáp giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi… nên được đồng bào coi như sự khởi đầu của một năm thuận lợi.
Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch hằng năm. Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa); không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng.
Độc đáo Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây
Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer là hoạt động vừa thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên vừa tích công đức để cuộc sống hiện tại và tương lai được tốt đẹp hơn. Cùng với ý nghĩa về đạo đức, nghi lễ đắp núi cát còn có ý nghĩa lớn lao khác là bảo vệ môi trường của chúng ta đang sống.
Chôl Chnăm Thmây là một trong những lễ lớn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ. Lễ hội có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan, hay Tết Thingyan của Myanmar.
Vào dịp năm mới, người Khmer chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp đẽ, sạch sẽ nhất, trẻ em được may sắm những bộ quần áo mới. Nhà cửa được sửa sang, quét dọn, trang trí lại. Đồ ăn, thức uống được chuẩn bị đầy đủ cho những ngày Tết.
Bà con đồng bào dân tộc Khmer đến chùa đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - Ảnh: báo quân đội nhân dân. |
Theo truyền thống trước đây, người Khmer giã gạo, chà gạo sẵn, làm bánh. Ngày nay họ chuẩn bị gạo đầy đủ, cùng các đồ ăn như bánh trái, hoa quả, cá, thịt, rau... tất cả đều sẵn sàng. Cứ như vậy, mọi công việc thường ngày đều dừng lại, người lao động chốn thành thị trở về quê hương, mọi người nghỉ ngơi, trâu bò thả tự do; người người hào hứng chăm lo cho ngày Tết.
Cứ như vậy, đối với người Khmer, thời khắc Giao thừa trong quan niệm của người Khmer không phải là 0 giờ 0 phút như Tết Dương lịch hay Tết Nguyên Đán mà căn cứ vào thời khắc tiên nữ (một trong 7 nàng tiên con của Thần Kabul Maha Prum) giáng trần. Vị tiên nữ này được cử xuống trần gian thay thế cho vị thần năm cũ để chăm lo cho người dân trong năm đó.
Để biết thời khắc giao thừa, A Cha trong các ngôi chùa sẽ làm lễ và thông báo cho người dân. A Cha là người từng tu hành, có địa vị cao trong xã hội và luôn được người dân Khmer kính trọng. Đối với người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy tất cả các lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết Chôl Chnăm Thmây. Trong 3 ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, ngoài các nghi thức Phật giáo, đồng bào Khmer Việt Nam và người dân Campuchia cũng hân hoan tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi chúc mừng đồng bào
Vừa qua, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi chúc mừng đồng bào. Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, năm 2022 vừa đi qua có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen đã tác động rất lớn đến quá trình phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và toàn diện của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc có nhiều chuyển biến rõ nét, tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy tất cả các lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết Chôl Chnăm Thmây. - Ảnh: internet. |
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và năm đầu triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc, mở ra nhiều thời cơ và vận hội mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với ý nghĩa này, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống lâu đời, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức đoàn kết, ý chí quyết tâm, tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay khối óc, năng động, sáng tạo để cùng các cấp, các ngành quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.