Test thở C13 kiểm tra vi khuẩn HP

(khoahocdoisong.vn) - Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori hay H. pylori) là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người. Để có thể tồn tại trong môi trường của axit dạ dày, vi khuẩn Hp tiết ra một loại enzym urease giúp trung hòa độ axit trong dạ dày.

HP có thể gây ra tình trạng viêm, còn gọi là viêm dạ dày mãn tính, thường phát triển và không có biểu hiện gì rõ ràng và đôi khi tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vi khuẩn HP có thể gây loét, phát triển thành ung thư dạ dày.

Có tới 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP, trong đó trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ cao nhất do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và còn yếu. Trong nhiều trường hợp, trẻ bị nhiễm HP không có biểu hiện gì bất thường. Theo GS.TS Đào Văn Long, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, Phòng khám Đa khoa Hoàng Long, nếu chưa có triệu chứng gì thì chưa cần điều trị. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có các biểu hiện sau đây thì nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để kiểm tra thăm khám:

- Đầy bụng.

- Ợ chua, ợ hơi.

- Đau quanh rốn hoặc vùng thượng vị.

- Buồn nôn hoặc nôn ra máu.

- Chán ăn, chậm lớn.

- Đi ngoài phân đen.

Nguồn lây nhiễm HP sang trẻ nhỏ chủ yếu là qua đường miệng - miệng hoặc phân - miệng, vì vậy, những việc làm tưởng chừng vô hại như hôn trẻ, mớm cơm cho trẻ lại là nguyên nhân gây lây nhiễm HP cực kỳ dễ dàng. Vì vậy, bố mẹ, ông bà không nên nhá cơm, mớm cơm cho trẻ vì đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm, không chỉ là con đường lây nhiễm vi khuẩn HP mà còn là nguyên nhân lây nhiễm rất nhiều bệnh nguy hiểm khác. 

Nếu trẻ em có 1 trong các biểu hiện như đã nêu ở trên, các bố mẹ nên đưa con đi khám tiêu hóa. Thông thường, các bác sĩ sẽ tư vấn cho các em nội soi dạ dày để tìm vi khuẩn HP và đánh giá vị trí tổn thương và mức độ tổn thương. Ngoài ra, trẻ cũng có thể kiểm tra vi khuẩn HP qua phương pháp test thở C13. Đây là phương pháp kiểm tra không xâm lấn nên được các bố mẹ lựa chọn nhiều, tuy nhiên với phương pháp test thở C13 chỉ có thể đánh giá được trẻ có vi khuẩn HP hay không còn không phát hiện được các tổn thương khác.

Theo Đời sống
back to top