Mất chức Tể tướng vì lộ đề thi
Nguyễn Quán Nho mồ côi cha, nhà nghèo, khi mẹ đi làm thuê cho nhà giàu, ông đi theo và thường áp tai vào vách nghe thầy giảng bài cho con chủ, rồi lấy que vạch chữ lên nền đất theo thầy. Về nhà ông vạch chữ trên thân cây xương rồng, trên lá chuối tươi khắp vườn.
Trải bao gian khổ học hành, đời Lê Huyền Tông, Nguyễn Quán Nho đỗ đồng tiến sĩ lúc 30 tuổi.
Đời làm quan của Nguyễn Quán Nho kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, nhưng nhất nhất đều tỏ rõ sự ngay thẳng, thanh bạch. Đầu tiên, ông được bổ làm Đô đốc liên tỉnh Hải Dương – Yên Quảng và trong các năm từ 1674 – 1681, bốn lần tham gia phái đoàn của triều đình Lê – Trịnh công cán sang nhà Thanh.
Năm Giáp Tý 1684, ông làm Phó đô ngự sử thuộc Ngự sử đài, giữ nhiệm vụ can gián vua, đàn hặc quan lại làm sai phép nước.
Năm Tân Mùi 1691, ông làm Tả thị lang bộ Lại, rồi như ghi chép trong “Đại Việt sử ký tục biên”, được thăng Đô ngự sử năm Nhâm Thân 1692, sang năm 1693, thăng Thượng thư bộ Binh rồi cùng Thượng thư bộ Hình là Lê Hy vào phủ chúa Trịnh làm Tham tụng.
Năm 1694, cùng Lê Hy dâng tờ khải xin thi hành 6 điều như kiểm tra lại mốc giới ruộng đất, chỉnh đốn việc xử kiện, việc khảo công quan lại…, đã được chúa Trịnh phê chuẩn thi hành. Ông ở ngôi tể tướng 5 năm, làm việc giản dị.
Hình minh họa.
Năm 1696, triều đình tổ chức thi cho các quan. Chúa Trịnh Căn triệu ông vào nghĩ đề bài và dặn giữ bí mật. Tuy nhiên, ông lại nói chuyện với người khác, đề thi bị lộ. Trịnh Căn giận dữ giáng ông xuống làm Tả thị lang bộ Binh.
Sau đó Đô ngự sử Nguyễn Quý Đức bị giáng chức, Trịnh Căn lại điều ông thay Quý Đức làm Đô ngự sử, đảm nhận công việc Đô ngự sử trong 7 năm.
Năm 1702, ông được phục ngôi Tể tướng, Thượng thư bộ Lễ, coi việc tòa Trung thư, tước Hương Giang bá.
Luôn sống hiền hòa
Phò tá bốn đời vua với gần 50 năm, lần lượt kinh qua nhiều chức vụ cao cấp, trong đó có 11 năm làm Tể tướng, Nguyễn Quán Nho nổi tiếng một đời trong sạch, thanh liêm. Năm 1707, Nguyễn Quán Nho rời chốn quan trường về sống tại quê nhà được một năm thì mất.
Ông chẳng để lại gì cho vợ con, ngoài một tấm lòng vì dân vì nước và tấm gương thanh liêm như trong câu đối ca tụng ông: “Bái tướng, phong công tứ triều nguyên lão – Trung quân, ái quốc thiên cổ hoàn nhân”. Nghĩa là: Làm tướng, lập công trải bốn triều đứng hàng đệ nhất – Phò vua, yêu nước xưa nay xứng là bậc vẹn toàn.
Ông được truy tặng là Thượng thư bộ Lại, tước quận công, đồng thời phong là phúc thần và giao cho dân địa phương thờ phụng.
Hiện tại, dòng họ của ông tại quê nhà vẫn đang lưu giữ bức truyền thần chân dung ông to bằng người thật sử dụng phẩm mầu vẽ trên vải lụa cùng tám câu thơ tạm dịch: Sinh năm Mậu Dần – Đỗ đại khoa năm Đinh Mùi – Luôn sống hiền hòa – Thẳng thắn mềm mỏng – Trung vua yêu nước – Ghét bọn gian tà – Rõ ràng hình ảnh – Trụ cột quốc gia.
Nhà thờ cùng với khu mộ Nguyễn Quán Nho tại thị trấn Vạn Hà được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1993. Tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có một trường trung học phổ thông mang tên Nguyễn Quán Nho.
(còn nữa)
Nguyễn Thành Trung