Bài vị Trần Thì Kiến (ngoài cùng bên phải) thờ tại khu văn hóa núi Bài Thơ (Quảng Ninh).
Đường quan lộ sóng gió
Sử thần Ngô Sĩ Liên khi nói về hành xử của ông, cũng tấm tắc mà khen: Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quản Trọng vậy.
Làm pháp quan lo về việc xử án, hình luật mà cương trực, ngay thẳng, xét đúng người đúng việc thì dân trăm họ được nhờ. Còn như bóp tròn thành méo, nói có thành không thì cái nạn hình ngục là hậu quả nhãn tiền mà dân phải gánh. Thế nên, có được ông pháp quan liêm như Trần Thì Kiến thì quả là Bao Công tái thế.
Tháng 12 năm Mậu Tuất (1298), vua Anh Tông lại bổ dụng Trần Thì Kiến là Nhập nội Hành khiển hữu gián nghị đại phu – chức quan chuyên can gián các việc của triều đình, chỉ đứng sau Tể tướng.
Nhà vua thấy Trần Thì Kiến là người cương trực, nên ban cho cái hốt (có tên riêng là “thủ bản”, vua quan cầm trong lúc triều yết, có việc gì thì ghi chép vào hốt để khỏi quên) và làm bài minh vào cái hốt khen rằng: Thái sơn trinh cao, Tượng hốt trinh liệt, Linh trãi tiến giác, Vi hốt nan chiết. Dịch là: Thái sơn rất cao, Hốt ngà rất cứng, Trãi thiêng dâng sừng, Làm hốt khó gãy.
Tuy nhiên, trong đời quan lộ, cũng có lúc Trần Thì Kiến gặp sóng gió. Đó là trong khi giữ chức Gián nghị đại phu, ông đã vô ý chứa giấu dân đinh nên bị bãi chức.
Sau đó vua nghĩ không phải là cố ý nên năm 1301, ông được xoá tội và cho giữ chức Tham tri chính sự, đến năm 1305, ông lại được vua cho giữ chức Tả bộc xạ (thời Trần coi tả, hữu bộc xạ là hữu tướng quốc tức là thái tế – tể tướng).
Mặc dù giữ nhiều chức vụ khác nhau nhưng Trần Thì Kiến luôn chứng tỏ là người thanh liêm tận tụy, các quan đời sau coi ông là một tấm gương để học tập, vua Tự Đức đã viết một bài vịnh ngợi ca tài đức của ông.
Công thần nhà Trần
Cho đến nay các bộ hợp tuyển thơ văn cổ không ghi được một tác phẩm nào của Trần Thì Kiến ngoài một bài thơ của ông tặng sư Phổ Minh chùa An Lãng, được in trong bộ sách Thơ văn Lý – Trần.
Bài thơ có tựa đề “Tặng An Lãng tự Phổ Minh thiền sư”: Ẩn bất lâm tuyền chân đại ẩn – Tu ư gia tư tức chân tu – Thử nhật tham Thiền như mộng giác – Hưu tương vãng sự quái Trào – châu” . Dịch là: “Đề tặng thiền sư Phổ Minh ở chùa An Lãng”: Rừng suối phải đâu là đại ẩn, Chùa nhà ấy mới thực chân tu. Nay được tham Thiền như mộng tỉnh. Đừng đem chuyện cũ trách Trào – châu.
Trải qua bao biến động lịch sử, thời gian, đáng tiếc là đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định được làng Cự Xạ thời Trần nay thuộc xã nào của huyện Đông Triều. Dù vậy, với những đóng góp lớn lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và tấm lòng tận trung với nước, liêm khiết, chính trực, Trần Thì Kiến đã được lưu danh sử sách.
Hiện ở đền Cửa Ông, Cẩm Phả, nơi thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng và các thành viên trong gia thất nhà Trần còn có tượng Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư và các danh tướng, công thần nhà Trần.
Mới đây, Trần Thì Kiến cũng được lựa chọn đưa vào thờ trong Khu văn hoá núi Bài Thơ, là niềm tự hào của đất Quảng Ninh. Tấm gương về sự thanh liêm, tận tuỵ của Trần Thì Kiến đáng để đời sau học tập.
TS Nguyễn Thành Hữu