<div> <p>Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình nghiên cứu định hướng phát triển đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã đề cập đến tình hình nghiên cứu thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ USD.</p> <p>Đến nay, kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu vận tải cho thấy nếu không đầu tư phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao trên trục Bắc – Nam thì vận tải trên hành lang sẽ bị quá tải và chất lượng dịch vụ sẽ không được cải thiện.Bộ Giao thông vận tải cho hay đang rà soát, cập nhật để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam để báo cáo các cấp và trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp cuối năm 2019.</p> <p>Cụ thể, đến năm 2030 hành lang Bắc – Nam sẽ thiếu hụt rất lớn về năng lực cận tải (thiếu 72 nghìn tấn hàng hóa và 100 nghìn hành khách trong 1 ngày đêm). Nếu chỉ đầu tư các loại hình giao thông là đường bộ, đường hàng không và đường biển và nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại (kể cả trường hợp nâng cấp lên đường đôi, khổ 1435, điện khí hóa) thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.</p> <p>Nghiên cứu cũng khẳng định bên cạnh nguồn lực đầu tư rất lớn (dự kiến khoảng 58,7 tỷ USD), cũng cần sớm có định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghiệp đường sắt để đáp ứng nhu cầu phát triển.</p> <p>“Tiến tới mục tiêu không bị phụ thuộc và không để nước ngoài thâu tóm các hợp đồng của dự án như quan ngại của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.</p> <p>Bộ Giao thông vận tải cũng gửi kèm tóm tắt kết quả nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam.</p> <p>Theo đó, nguồn vốn dự kiến thực hiện lên tới 58,7 tỷ USD. Diện tích đất sử dụng là hơn 7,8 nghìn ha.</p> <p>Nguồn vốn thực hiện dự án theo hình thức đối tác công – tư (nhà nước đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư mua sắm đoàn tàu.</p> <p>Trog đó, vốn nhà nước khoảng 80%, mức vốn này được Bộ Giao thông vận tải khẳng định là “nằm trong trần nợ công cho phép 65% GDP của Quốc hội. Vốn tư nhân khoảng 20%.</p> <p>Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cho hay trong bước theo theo “còn nghiên cứu thêm khả năng huy động vốn ngoài ngân sách” từ việc xã hội hóa đầu tư đối với các công trình nhà ga tại các đô thị lớn, có lợi thế thương mại thông qua khai thác quỹ đất và phát triển dịch vụ, trung tâm thương mại.</p> <p>Nghiên cứu của Bộ Giao thông vận tải đánh giá “dự án khả thi về mặt kinh tế”.</p> <p>Để quản lý khai thác dự án, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thành lập 1 công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao, 1 công ty vận tải đường sắt tốc độ cao với 2 chi nhánh bắc – nam.</p> <p>Tiến độ triển khai được Bộ Giao thông vận tải dự kiến là báo cáo các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị) vào tháng 5-7/2019; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Chính phủ vào tháng 8/2019.</p> <p>Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 8/2019 và nếu Quốc hội thông qua vào tháng 10/2019 thì sẽ khiển khai chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng từ 2020-2025, triển khai xây dựng từ 2026.</p> <p>“Dự kiến đưa vào khai thác đoạn ưu tiên Hà Nội – Vinh và Nha Trang – thành phố Hồ Chí Minh năm 2032, tiếp tục triển khai xay dựng các đoạn còn lại từ 2035, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.</p> <p>Trước mắt đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai (sau năm 2050). </p> <p>Với tốc độ 350/km/h như dự kiến, thì sau 30 năm nữa đi Hà Nội - Sài Gòn chỉ mất khoảng 6 giờ đồng hồ.</p> <p><span>Lương Bằng</span></p> </div> <p> </p>