Những nguyên nhân gây chứng tiểu đêm
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tiểu đêm được hiểu là đi tiểu hơn 1 lần trong giấc ngủ ban đêm.
Đây là một rối loạn khả năng kiểm soát bài xuất nước tiểu trong thời gian ngủ. Rối loạn này thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ sau sinh... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
ThS.BS Nguyễn Đình Liên cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới chứng tiểu đêm ở người cao tuổi. Những nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến như:
Bệnh lý tắc nghẽn đường tiều dưới bao gồm: u tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang, viêm hẹp niệu đạo... Trong đó, bệnh lý u tuyến tiền liệt là hay gặp nhất ở nam giới cao tuổi. U tuyến tiền liệt gây bí tiểu, tiểu khó, tiểu không hết nên luôn làm bàng quang tồn dư nước tiểu, từ đó sẽ kích thích phản xạ đi tiểu. Số lần đi tiểu đêm nhiều hay ít tỷ lệ thuận với mức độ tắc nghẽn bài xuất nước tiểu và mức độ tồn dư nước tiểu trong bàng quang.
Đa niệu về đêm bao gồm các bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt... gây tăng bài xuất nước tiểu.
Uống nhiều nước, nhiều đồ uống có tính chất lợi tiểu và gây mất ngủ vào bữa tối (bia, cafe, chè)... Uống thuốc điều trị có tính chất lợi tiểu: Thuốc lợi niệu Thiazid điều trị phù, tăng huyết áp,...
Bệnh lý làm giảm dung tích bàng quang: Viêm bàng quang do nhiễm khuẩn hay viêm do xạ trị, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, lao bàng quang,... làm giảm dung tích bàng quang so với khả năng lọc của thận, gây phản xạ đi tiểu nhiều.
Bàng quang tăng động (bàng quang thần kinh): Hiện tượng rối loạn vận động cơ bàng quang do tổn thương hệ thần kinh chi phối cơ thắt cổ bàng quang nên luôn có phản xạ buồn đi tiểu.
Rối loạn giấc ngủ: Ngủ không ngon giấc, mất ngủ, ngủ ít làm cho thần kinh trung ương không ức chế được khả năng nhịn tiểu,...
Lão hóa bàng quang, nhão cơ bàng quang: Ở người cao tuổi nói chung hay nữ giới cao tuổi sinh đẻ nhiều nói riêng thì hệ cơ của bàng quang bị suy yếu, nên mất hoặc giảm khả năng nhịn tiểu.
Tập thở để hạn chế chứng tiểu đêm
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Liên, do tiểu đêm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cho nên phải chẩn đoán đúng nguyên nhân để tìm cách điều trị. Ví dụ, nếu do u tuyến tiền liệt thì phải tiến hành phẫu thuật hay điều trị bằng thuốc uống.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể tập bài tập hít sâu thở đều (tăng thể tích hô hấp dự trữ), tăng khả năng nhịn thở để làm tăng áp lực ổ bụng, từ đó đi tiểu hết, tránh tồn dư nước tiểu trong bàng quang.
Bởi người cao tuổi khi nhịn thở để rặn tiểu hay đại tiện sẽ dẫn tới việc bị thiếu oxy, gây mệt mỏi. Mệt mỏi sẽ khiến không đi tiểu hết nước tiểu trong bàng quang, là nguyên nhân khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều lần.
Bệnh nhân cũng cần hạn chế mất ngủ bằng cách không làm việc mất quá nhiều thời gian vào ban đêm, không sử dụng chất gây hưng phấn – mất ngủ vào buổi tối như trà, cà phê.
Không uống quá nhiều nước, đồ uống lợi tiểu vào buổi tối (như đồ uống có cồn, nước râu ngô); ăn nhạt, ít canh ở bữa tối (đương nhiên vẫn phải uống đủ nước trong ngày theo nhu cầu cơ thể).
Trước khi đi ngủ cần cố gắng đi tiểu hết nước trong bàng quang. Đồng thời tập khả năng nhịn tiểu nhằm cắt bỏ dần phản xạ đi tiểu đêm.
Việc tập một bài tập nhẹ vào buổi tối giúp ngủ sâu cũng rất tốt. Cố gắng giữ nhiệt độ phòng ngủ đủ ấm, không quá lạnh.
Chứng tiểu đêm sẽ khiến bệnh nhân mất ngủ, mệt mỏi, khó chịu gây suy nhược cơ thể. Với một số trường hợp còn gây đảo lộn cuộc sống, nhất là với người bạn đời khó ngủ, hoặc gia đình chung sống nhiều thế hệ, diện tích nhà chật hẹp… cho nên cần tìm cách khắc phục.