Các bài tập này còn hỗ trợ phòng và trị thoái hóa đốt sống cổ, đau vai gáy và lưng.
Tập hạc bay trị đau đầu, chóng mặt
Động tác nhằm luyện sự thăng bằng cơ thể, giúp cho người tập có cảm giác nhẹ nhàng, phấn chấn, cung cấp năng lượng khí huyết cho vùng đầu, cổ vai gáy, hỗ trợ chữa các loại bệnh chóng mặt, đau đầu, tiền đình, mất thăng bằng, mỏi mệt trì trệ.
Động tác tập nhịp nhàng, bay bổng, thanh thoát nên nó thường được gắn với hình ảnh của các vị tiên ngồi đánh cờ dưới gốc cây tùng, cây bách mà trên cành là những con hạc đang xập xòe đôi cánh bay lượn phiêu diêu.
Thực hành: Hai chân đứng thẳng bằng vai, hai tay chống vào mạn sườn. Từ từ thu chân phải sát vào chân trái rồi co lên, đầu gối nâng cao, mũi chân chúi xuống.
Hai cánh tay vươn lên cao từ hai bên sườn, năm ngón tay chụm lại, bàn tay và cổ tay tạo thành hình như đầu con chim hạc đang vươn lên cao, hít sâu dưỡng khí vào cơ thể và từ từ kiễng gót bàn chân trái lên.
Tùy theo khả năng giữ thăng bằng của từng người mà giữ ở tư thế kiễng gót chân lâu hay chóng. Sau đó hạ gót chân trái xuống, hạ bàn chân phải xuống đưa sang phải cho khoảng cách hai chân bằng vai, hạ hay tay xuống đan chéo trước bụng, hai chân khụy đầu gối xuống tấn trung bình. Tiếp theo thu chân trái về sát chân phải rồi co lên. Tương tự như động tác trước chỉ đổi bên mà thôi.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch sáng lập học viện Tâm khí Việt hướng dẫn bài tập |
Vươn cổ rùa trị thoái hóa đốt sống cổ, đau đầu
Rùa là linh vật tượng trưng cho sự chắc chắn, điềm đạm, chậm rãi, cần mẫn... Con rùa cũng tượng trưng cho sự trường thọ, là loài vật sống lâu nhất trong tự nhiên, tuổi thọ của nó hằng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Động tác vận động của con rùa ngoài di chuyển thì chỉ có vươn cổ ra và thụt cổ vào.
Việc vận động các đốt sống cổ này làm giãn mềm các cơ vùng cổ, chống lại sự căng chứng, chèn ép vào mạch máu, dây thần kinh vùng cổ làm cho người tập cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Ngoài ra, việc vận động này làm co giãn nhu động mạch máu giúp cho việc lưu thông, cung cấp máu cho não được tốt hơn chống các loại bệnh thiếu máu não, đau đầu, đau cổ gáy, thoái hóa, vôi hóa các đốt sống cổ.
Thực hành: Người tập có thể đứng hoặc ngồi trên ghế. Khi đứng hai tay chống mạng sườn. Khi ngồi hai tay để trên hai đầu gối.
Bước 1: Gập cổ xuống thở ra và vươn cổ về phía trước.
Bước 2: Nâng cổ, vươn lên cao hít sâu vào rồi đưa cổ về phía sau, thụt xuống thấp.
Bước 3: Thở ra, vươn cổ về phía trước hết cỡ.
Kết hợp hít thở với cộng tác vươn cổ rùa theo nguyên tắc vươn lên thì hít vào, hạ xuống thấp vươn ra trước thì thở ra, theo hình tròn thứ tự xuống – ra trước – vươn cao, rút sau.
Bước 4: Làm lại các động tác như trên nhưng theo hướng ngược lại theo thứ tự: đưa sau, vươn lên cao hít vào vươn cổ ra trước – hạ xuống, thở ra.
Bơi ếch trị đau cổ vai gáy và lưng
Động tác này mô tả giống như động tác bơi ếch chỉ khác là chân làm trụ vững, không di chuyển. Tác dụng của nó làm vận động lưu thông khí huyết đặc trị đau cổ vai gáy và lưng.
Do tính chất công việc thường phải làm việc bằng trí óc, tư duy căng thẳng, xử lý thông tin nhanh, làm việc bằng máy tính nhiều, ít có thời gian dành cho vận động... dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe: mỏi mệt, căng thẳng, đau đầu, mất ngủ, đau mỏi cổ, vai, gáy, lưng, thắt lưng, vận động kém linh hoạt... Dù không có điều kiện đi bơi, bạn hãy thực hiện động tác bơi ếch trên cạn dưới đây để giúp khí huyết lưu thông, phòng ngừa và chữa trị bệnh tật.
Thực hành: Ăn mặc quần áo rộng, nới lỏng thắt lưng. Địa điểm tập thoáng mát, thông khí. Nếu có điều kiện nên kết hợp với nền nhạc êm dịu: nhạc thiền, nhạc thiên nhiên (tiếng suối reo, chim hót, nước chảy...).
Hai chân đứng rộng bằng vai, hai bàn tay từ hai bên đưa vào giữa ngực chắp lại.
Khuỵu đều hai gối xuống, đưa hai bàn tay đang chắp vươn thẳng về phía trước, lưng và đầu cúi xuống, lưng và mặt song song với mặt đất. Động tác này thở ra.
Sau đó mở tách hai bàn tay sang 2 bên để thu về chắp trước ngực, liên sườn co giãn, phối hợp đồng bộ. Tiếp tục lặp lại các động tác trên từ 10 – 15 lần. Trong thái cực quyền đây là một động tác cơ bản trong luyện tập.
Cử nhân Nguyễn Ngọc Dũng (Chủ tịch sáng lập học viện Tâm khí Việt)