Tài chính suy sụp vẫn được tiếp nhận dự án
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện những vi phạm về đầu tư, đất đai của Dự án Khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 5 sao tại số 01 đường Hùng Vương, phường 10, TP Đà Lạt.
Hơn 10 năm trước, năm 2009, dự án này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Sài Gòn làm chủ đầu tư. Ban đầu dự án có tên gọi Khách sạn Sài Gòn mới (Saigon New Hotel), diện tích khoảng 1,2ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tháng 02/2018 UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho phép Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Sài Gòn chuyển nhượng lại cho Công ty CP Tập đoàn Khải Vy, dự án được đổi tên thành Merperle Đà Lạt Hotel.
Mới đây, sau khi tiến hành thanh tra tại dự án này, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, rà soát lại năng lực tài chính, yêu cầu Tập đoàn Khải Vy ký quỹ thực hiện dự án, cam kết thời hạn hoàn thành. Trường hợp chậm tiến độ so với cam kết mà không hoàn thành dự án thì chấm dứt hoạt động, thu hồi theo quy định.
Cảnh giác của Thanh tra Chính phủ không là thừa. Bởi từ năm 2010, Tập đoàn Khải Vy đã có nhiều khoản vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài), trong đó dùng nhiều tài sản để thế chấp.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2019, BIDV Phú Tài bắt đầu thông báo việc lựa chọn tổ chức đấu giá các tài sản thế chấp của Tập đoàn Khải Vy để thu hồi nợ.
Cụ thể, BIDV Phú Tài thông báo tổ chức đấu giá 8.749.433 cổ phần của Tập đoàn Khải Vy tại Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang với giá khởi điểm là 163,780 tỷ đồng.
Thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản, máy móc thiết bị gắn liền với Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại Lô 17-1-2, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM của Khải Vy với mức giá khởi điểm là 466,44 tỷ đồng.
Tổ chức đấu giá các quyền sử dụng đất với tổng diện tích 100.223,8m2 và 76.294,6m2 tại nhà máy Khu công nghiệp Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định giá khởi điểm lần lượt là 71,24 tỷ đồng và 61,96 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV Phú Tài cũng đấu giá rừng cây trồng tại tiểu khu 1694, 1695, 1696 - Lâm Trường Đăk Hà thuộc địa giới tỉnh Đăk Nông, với giá khởi điểm hơn 45 tỷ đồng. Thậm chí, BIDV còn đem đấu giá cả 05 xe ô tô của Tập đoàn Khải Vy để thu hồi nợ.
Không chỉ có vậy, liên quan đến vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng". Ngày 18/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho 08 công ty dư nợ lớn có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu. Trong đó, có thông tin Tập đoàn Khải Vy có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng và dư nợ tại BaoVietBank là 423,459 tỷ đồng.
Điểm qua những sự việc trên có thể thấy tình hình tài chính của Tập đoàn Khải Vy không mấy tốt đẹp. Việc Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng kiểm tra năng lực tài chính của Tập đoàn Khải Vy trước khi tiếp tục giao thực hiện dự án Merperle Đà Lạt Hotel là có cơ sở.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn vi phạm trật tự xây dựng tại dự án. Vào tháng 5/2020, UBND TP Đà Lạt đã buộc Tập đoàn Khải Vy phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây dựng không phép tại số 1 Hùng Vương, phường 10, TP Đà Lạt. Trước đó, do hành vi xây dựng công trình không phép, doanh nghiệp này đã bị xử phạt 40 triệu đồng.
Tập đoàn Khải Vy bị xử phạt vi do hành vi xây dựng không phép tại dự án Merperle Đà Lạt Hotel số 1 Hùng Vương. (Ảnh: baolamdong.vn). |
Lãnh đạo chủ chốt rút lui
Công ty CP Tập đoàn Khải Vy thành lập năm 2000, đặt trụ sở chính tại phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM, do vợ chồng doanh nhân Đoàn Văn Trang và bà Mai Thị Mai khởi dựng.
Thời điểm cuối năm 2010, Khải Vy có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, cổ đông sáng lập bao gồm 03 cá nhân. Trong đó, vợ chồng doanh nhân Đoàn Văn Trang và vợ là Mai Thị Mai nắm giữ là 98,5%, còn lại 1,5% cổ phần do ông Nguyễn Quốc Bảo sở hữu.
Những năm gần đây sự tăng giảm vốn điều lệ, cũng thay đổi lớp thượng tầng lãnh đạo của doanh nghiệp này rất đáng chú ý. Cụ thể, đầu năm 2018 Tập đoàn Khải Vy đăng ký tăng vốn điều lệ lên 713,1 tỷ đồng, tuy nhiên đến tháng 3/2019 lập tức vốn điều lệ được đăng ký giảm còn lại 358,76 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Trang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khải Vy đến tháng 10/2019. Sau đó, vị trí Chủ tịch HĐQT chuyển giao cho ông Nguyễn Quốc Bảo (SN 1960).
Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại TP.HCM của Tập đoàn Khải Vy. |
Cuối năm 2006, Tập đoàn Khải Vy tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang, đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm trên diện tích khoảng 114ha. Đến tháng 12/2017, ông Đoàn Văn Trang đăng ký thoái lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của Công ty Hòn Tằm Nha Trang, mà nhường vị trí này cho doanh nhân Phạm Minh Nhựt.
Tại Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Khải Vy - cũng diễn ra diễn biến tương tự. Doanh nghiệp này thành lập tháng 01/2018, vốn điều lệ là 540,02 tỷ đồng, ban đầu do ông Đoàn Văn Trang đại diện theo pháp luật. Đến tháng 3/2018 ông Đoàn Văn Trang cũng nhường vị trí đại diện pháp luật cho ông Trần Tựu (SN 1978). Công ty Khải Thịnh là chủ đầu tư dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy tại phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM, diện tích hơn 77.300m2.
Như vậy có thể thấy, về pháp lý, doanh nhân Đoàn Văn Trang - người sáng lập Tập đoàn Khải Vy - trong vài năm trở lại đây đã dần rút lui khỏi những vị trí quan trọng của nhiều doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Khải Vy.