Tạo ra lan đột biến không khó

(khoahocdoisong.vn) - Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa và cây cảnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, có rất nhiều cách để tạo ra hoa lan đột biến. Giá trị của loại lan này cần được hiểu đúng.

Cơ chế đột biến của hoa lan

Giống như các loại thực vật khác, hoa lan có thể xảy ra quá trình biến dị sinh học. Biến dị sinh học chính là những biến đổi mới, mà cơ thể thực vật thu được do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền. Biến dị sinh học bao gồm 2 loại: Biến dị không di truyền và biến dị di truyền. Biến dị đột biến là những biến đổi bất thường trong vật chất di truyền ở cấp độ phân tử (ADN, gene) hoặc cấp độ tế bào (nhiễm sắc thể), dẫn đến sự biến đổi đột ngột của một hoặc một số tính trạng, những biến đổi này có tính chất bền vững và có thể di truyền cho các đời sau.

Đa số là đột biến gene là đột biến lặn và có hại, chỉ có một số ít có lợi, những đột biến lợi có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình tiến hóa và chọn giống, những cây trồng mang gene hoặc nhiễm sắc thế đột biến đã biểu hiện trên kiểu hình của cơ thể gọi là cây đột biến.  

Điều đáng nói, những cây lan đột biến mà chúng ta thấy (từ thực tế hoặc trên hình ảnh) chưa chắc đã phải là lan đột biến từ sự “biến dị đột biến” (tức là đột biến như mọi người thường hiểu) mà còn có thể là do “biến dị tái tổ hợp” tức là do quá trình thụ phấn (do con người hoặc do côn trùng, gió) đã tạo ra những hạt lan lai, để từ đó tạo ra những cây lan mới, khác với đặc tính của cây bố mẹ, khác màu hoa của cây bố, mẹ.

Trong một số cây mà mọi người gọi “đột biến”, có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền) tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở một số thời gian và môi trường nhất định, sau đó nó sẽ trở về trạng thái, với những tính trạng ban đầu. Chính điều này lý giải tại sao, một số cây ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác. Điều này không nhiều người hiểu tường tận, cứ nghĩ lan đột biến là có giá trị cao, là không đúng.

Tạo ra được từ phòng thí nghiệm

Cây lan có thể nhân giống bằng hạt (hữu tính) và bằng giâm cành (vô tính). Nếu nhân giống hoa lan bằng hữu tính (lầy phấn do cây tự thụ, côn trùng thụ, con người thụ…) thì hạt phấn sẽ bị phân ly, tức là cây con sẽ không còn giữ được đặc tính của cây mẹ nữa, do vậy, phải nhân giống bằng vô tính mới giữ được đặc tính của cây mẹ. Nhân bằng vô tính cũng có 2 cách, đó là giâm cành bằng key (các đốt thân) và nhân giống bằng Invitro (nuôi cấy mô), nếu nhân bằng key (mắt ngủ) ngoài vườn ươm hệ số nhân giống thấp, cây thường bị sâu bệnh hại. Còn nhân bằng Invitro cây khỏe, hệ số nhân giống cao, sức sống cây con và cây sau này sẽ rất tốt nhưng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, trang thiết bị nhiều, hiện đại.

Việc nhân giống bằng key hay bằng Invitro đều cùng một bản chất đó là nhân lên từ mô tế bào. Đặc điểm của thực vật nói chung và cây hoa lan nói riêng, đó là tính toàn năng, tức là từ 1 mô (thậm chí 1 tế bào) có thể phát triển thành 1 cây hoàn chỉnh, cây con hoàn toàn giữ nguyên đặc tính di truyền của cây mẹ. Việc nhân giống bằng Invitro không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu, cây con được nhân từ 1 đoạn cành hoặc 1 mô của của cây mẹ, có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ (trừ trường hợp cây mẹ đang ở trạng thái “thường biến” nên có sự hiểu nhầm)

Do vậy, các nhà khoa học, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhân nuôi cấy Invitro để chúng ta có nhiều cây lan quý, lan đột biến mà tính trạng được giữ nguyên như cây mẹ. Nhưng thị trường cây cảnh nói chung, hoa lan đột biến nói riêng cũng có những đặc thù. Cũng có thể họ suy nghĩ cái gì hiếm thì sẽ đắt, nếu nhân bằng phương pháp Invitro, thì khi nhân nhiều rồi, sẽ mất đi giá trị quý và hiếm, nên họ không áp dụng phương pháp này. Ở góc độ khoa học thì rất dễ dàng tạo ra lan đột biến từ phòng thí nghiệm.

Theo Đời sống
back to top