“Nổ” sụn chêm sau vài ngày chấn thương
Anh Nguyễn Văn H. (35 tuổi, Hà Nội) trong khi đá bóng bị chấn thương đầu gối. Không thấy đau nhiều nên anh vẫn đi làm bình thường và tiếp tục chơi thể thao. Nhưng sau 3 ngày thì đầu gối bắt đầu đau và sưng. Điều trị nhiều cách, nhưng chân ngày càng khó co duỗi, khó đi lại và vận động. Sau một tháng nhờ phẫu thuật nội soi tạo hình lại phần sụn chêm rách chân anh mới dần hồi phục.
GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp - Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh nhân H. may mắn đến viện chưa quá muộn còn phẫu thuật tái tạo được, nếu để lâu phải cắt bỏ sụn chêm và sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề.
Theo GS.TS Trần Trung Dũng, rách sụn chêm là một trong những chấn thương đầu gối thường gặp nhất. Sụn chêm giúp ổn định khớp, bảo vệ xương không bị hao mòn nhưng chỉ cần một cú xoay gối đột ngột khi tập luyện, chơi thể thao hoặc tai nạn trong lao động, tai nạn giao thông đều có thể dẫn đến sụn chêm bị rách/vỡ. Một số trường hợp khác, một phần sụn gối bị rách, vỡ ra, kẹt vào khớp gối gây thoái hóa khớp.
Chấn thương có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em với nhiều vị trí khác nhau như rách sụn trong – ngoài, rách sừng trước – sau, rách vùng giàu mạch hoặc vô mạch… Hình thái của vết rách cũng khác nhau, có thể là rách theo chiều dọc, chiều ngang, hình nan hoa, hình vạt hoặc các hình dạng phức tạp khác.
Khi mới chấn thương, người bệnh vẫn có thể đi lại bình thường, thậm chí vẫn tiếp tục chơi thể thao, tập luyện, thi đấu. Cơn đau do vết rách sẽ xuất hiện sau 2-3 ngày, lúc này người bệnh có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu như: Nghe như có tiếng “nổ” khi sụn chêm vừa rách; Đầu gối đau và sưng; Kẹt khớp gối, khó co duỗi khớp gối; Khi vận động có cảm giác lục cục phát ra từ khớp; Đau nhức khi ấn tay vào khe khớp gối; Khó đi lại, vận động...
Điều trị không kịp thời gây nhiều biến chứng
GS.TS Trần Trung Dũng nhấn mạnh, sụn chêm có vai trò quan trọng, giúp việc đi lại và vận động được dễ dàng. Khi sụn chêm bị rách sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe:
Đau nhức khớp dữ dội: Đặc biệt khi thực hiện các tư thế co duỗi, nghiêng người qua trái, phải. Đây chính là dấu hiệu của kẹt khớp, mảnh sụn chêm bị rách đi vào giữa khớp gối, gây nên tình trạng cấn, kẹt ở đầu gối.
Teo cơ tứ đầu đùi: Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng đau nhức khớp gối kéo dài sẽ khiến người bệnh có nguy cơ bị teo cơ tứ đầu đùi. Lúc này, người bệnh không thể đi lại, không thể duỗi thẳng chân, khó khăn trong vận động.
Hư khớp gối: Tình trạng đứt dây chằng chéo trước sẽ làm gối mất vững, sụn chêm bị hư hại nặng hơn theo thời gian. Nếu sụn chêm bị hư hoàn toàn, người bệnh bắt buộc phải cắt bỏ sụn chêm, dẫn đến khớp gối nhanh chóng thoái hóa và hư khớp gối. Việc cắt sụn chêm khi tuổi càng trẻ, quá trình thoái hóa và hư khớp gối sẽ diễn ra càng sớm.
Gây tổn thương lên các bộ phận khác: Thống kê cho thấy, có đến 50% trường hợp rách sụn chêm do tổn thương dây chằng chéo trước dẫn đến các tổn thương khác như bong chỗ bám, tổn thương dây chằng chéo sau, phù tủy xương… Một số người có thể bị đứt một phần hoặc toàn bộ dây chằng chéo trước, dẫn đến lỏng gối, mất khả năng đi lại.
Vì vậy, khi bị rách sụn chêm cần điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị bảo tồn trong trường hợp tổn thương nhỏ, ở vị trí 1/3 ngoài sát bao khớp máu nuôi dồi dào, người bệnh ít đau, gối còn vững. Việc điều trị chủ yếu là chườm đá, bất động khớp gối, hạn chế vận động, sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm, chống phù nề.
Phẫu thuật gồm mổ mở và nội soi. Trước đây, hầu hết các trường hợp phẫu thuật can thiệp rách sụn chêm đầu gối ở Việt Nam trước đây là cắt bỏ sụn chêm rách, sửa phần sụn còn lại để đảm nhiệm chức năng của sụn. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, sau 3 – 5 năm phẫu thuật cắt sụn chêm, có khoảng 10% trường hợp có biểu hiện thoái hóa khớp gối, nhất là những trường hợp cắt bỏ sụn chêm quá nhiều.
Vì thế, để hạn chế phải cắt bỏ sụn chêm, kỹ thuật khâu tạo hình sụn chêm được chỉ định với các trường hợp rách dọc, rách mới trước 6 tuần, vùng 1/3 ngoài sát bao khớp nơi có nguồn cấp máu dồi dào cho khả năng làm lành tổn thương nhanh. Việc khâu sụn chêm nhằm phục hồi hình thái giải phẫu, đảm bảo thực hiện chức năng của sụn chêm sẽ giải quyết được các phiền toái như đau, tràn dịch, kẹt khớp… đảm bảo kéo dài tuổi thọ của khớp qua chức năng sụn. Tuy nhiên, việc khâu sụn chêm ở vùng này cần thực hiện sớm, nếu can thiệp muộn, tổn thương tại vị trí rách đã xơ hóa thì cơ hội phục hồi không cao.
Phẫu thuật nội soi khâu tạo hình là phương pháp tối ưu nhất, với thời gian hồi phục nhanh, vết mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau so với phương pháp mổ mở truyền thống. Đặc biệt, phương pháp này giúp phục hồi khả năng vận động lên đến 80 - 90%, người bệnh sớm trở lại sinh hoạt bình thường, có thể tập thể dục thể thao từ 6 - 9 tháng sau phẫu thuật tùy mức độ tổn thương.