Vừa qua, nam bệnh nhi Đ.Q. (7 tháng tuổi, cư ngụ tại TPHCM) đã được ThS.BS Nguyễn Trần Việt Tánh, khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 2 phẫu thuật tạo hình khí quản do bị hẹp khí quản bẩm sinh.
Theo ThS.BS Nguyễn Trần Việt Tánh, đại diện kíp mổ đánh giá đây là ca rất khó. Bệnh nhi mới 7 tháng tuổi, cân nặng nhỏ, nhập viện trong tình trạng nặng không thể nội soi hô hấp để kiểm tra trước mổ nên chưa thể tiên lượng mức độ hẹp.
Anh K. bố của bệnh nhi cho biết con mình bị khò khè từ lúc bé mới chào đời. Anh có đưa bé đi khám nhưng chưa ghi nhận bệnh. Đợt này bé trở nặng và nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp cấp, đe dọa tính mạng. Bé được cho thở máy thông số cao nhưng không cải thiện.
Sau khi chụp CT scan ngực, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh hẹp khí quản bẩm sinh. Đường kính khí quản của bé Q. khoảng 1,5-2mm trong khi đường kính ở trẻ bình thường khoảng 4mm.
Ngoài ra, quai động mạch phổi trái vòng phía sau khí quản gây chèn ép gốc phải phế quản của bé, khiến tình trạng trở nặng thêm. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bé Q..
Với nỗ lực của nhân viên y tế, bệnh nhi đã được cứu chữa. Sau 03 ngày hậu phẫu, bệnh nhi cải thiện tốt, cai được máy thở. Kết quả nội soi hô hấp ghi nhận khí quản không còn hẹp, bé Q. được cho xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình.
Tạo hình khí quản cứu bệnh nhi 7 tháng tuổi nguy kịch |
Liên quan bệnh lý hẹp khí quản bẩm sinh này, BS Tánh thông tin thêm đây là một bệnh hiếm gặp, theo y văn thế giới thì tỉ lệ gặp là 1/65.000. Là đơn vị chuyên Nhi khoa tuyến cuối, với trang thiết bị và chuyên môn, hằng năm bệnh viện Nhi Đồng 2 thường tiếp nhận và điều trị thành công khoảng 5-6 trường hợp bệnh nhi.
Khi nghi ngờ một trường hợp hẹp khí quản bẩm sinh, các bác sĩ sẽ cho chỉ định chụp CT scan ngực có cản quang để xác định. Ngoài ra, bệnh nhi cũng sẽ được nội soi hô hấp kiểm tra, cùng chẩn đoán qua kết quả chụp CT scan và siêu âm tim để tầm soát dị tật tim kèm theo.
Với bệnh nhi đã được chẩn đoán xác định hẹp khí quản bẩm sinh, tùy thuộc vào mức độ hẹp của trẻ và biểu hiện lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, việc phẫu thuật không đơn giản và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng, thường không chỉ định rộng rãi!
Hầu hết các trường hợp bệnh nhi bị hẹp khí quản trên 50%, khẩu kính bình thường và có những cơn suy hô hấp tím tái thì cần phải được phẫu thuật tạo hình đường thở. Những bệnh nhi khi không được can thiệp rất dễ rơi vào tình trạng bít tắt đường thở, gây nguy hiểm đến tính mạng.