Tạo ảnh đại diện bằng Zalo AI… dễ lộ thông tin cá nhân

Với Zalo AI Avatar, người dùng dễ dàng chia sẻ ảnh đại diện của mình. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn rủi ro liên quan quyền riêng tư và bảo mật của người sử dụng.

Nhờ… máy tạo avatar

Cơn sốt khoe ảnh do trí tuệ nhân tạo (AI) đã quay lại trên các diễn đàn, mạng xã hội, thể hiện qua việc nhiều người thay đổi Avatar (ảnh đại diện) theo mẫu do AI định ra. Những ảnh này do Zalo AI Avatar thực hiện. Đây là mini app được tích hợp sẵn trên ứng dụng Zalo.

Để tạo ảnh đại diện bằng AI, người dùng chỉ cần vào ứng dụng Zalo, sau đó tìm tới Zalo AI Avatar được đề xuất ở phần đầu nhật ký hoặc mục khám phá. Sau đó, người sử dụng có thể chụp ảnh hay tải lên hình ảnh khuôn mặt của mình để AI xử lý. Điều kiện được ứng dụng đưa ra là hình ảnh phải đủ sáng và rõ một khuôn mặt.

Khi nhập thông tin về giới tính, độ tuổi, có 6 phong cách ảnh được Zalo thiết lập sẵn để “khách” lựa chọn. AI sau đó tự động xử lý khuôn mặt trong hình ảnh gốc tải lên để "biến hình" và tạo thành avatar hoàn chỉnh. Người dùng hào hứng chờ nhận kết quả để khoe với bạn bè.

Trung bình mỗi lần, người chơi có thể tạo 50 chân dung và lưu lại những ảnh mình hài lòng nhất. Con số này cho phép họ thử nghiệm rất nhiều kiểu tạo hình của bản thân ở các độ tuổi khác nhau.

Người dùng có thể tạo ảnh đại diện bằng Zalo AI Avatar trong ứng dụng Zalo.

Người dùng có thể tạo ảnh đại diện bằng Zalo AI Avatar trong ứng dụng Zalo.

Điểm thu hút của trình tạo ảnh avatar này là những nét nhận diện khuôn mặt người dùng vẫn giữ được trọn vẹn. Do đó, AI Avatar trên Zalo đang thu hút lượng lớn người sử dụng.

Cẩn trọng những trào lưu mới trên mạng xã hội

Trước cơn sốt Zalo AI Avatar, App Loopsie có nguồn gốc từ nước ngoài, xuất hiện từ giữa tháng 8/2023. Để sử dụng được app này, người dùng phải cung cấp kho ảnh, camera từ điện thoại và quyền truy cập email…

Trước đó, một số ứng dụng chỉnh sửa ảnh như Face Play (2022), Voila AI Artist (2021), Face App (2020)… từng là "hot trend" trên mạng xã hội. Trong đó, ứng dụng Face Play có khả năng xử lý cắt ghép video ấn tượng dù có mức phí cao.

Sau khi tải ứng dụng về, ai cũng có thể hóa thân thành các nhân vật như hiệp khách giang hồ, hotgirl, tài tử bên siêu xe hay hình tượng nữ yêu quái trong bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký. Điều đáng lo ngại, để thực hiện các bước chỉnh sửa video trên, app Face Play yêu cầu người dùng phải cung cấp đầy đủ dữ liệu, truy cập camera để lấy hình ảnh cá nhân.

Cuối năm 2020, ứng dụng Face App tạo cơn sốt khi có các tính năng chỉnh sửa, bóp méo khuôn mặt để hoán đổi giới tính người dùng. Chưa hết, ứng dụng này còn chuẩn bị sẵn những phụ kiện như bộ tóc, râu ria... để người sử dụng có thể tự do trải nghiệm, cắt ghép vào hình ảnh.

Với hơn 100 triệu lượt tải xuống, FaceApp cũng yêu cầu người dùng cho phép tự động khởi chạy, chạy nền, toàn quyền sử dụng Internet, truy cập bộ nhớ hình ảnh và truyền dữ liệu cá nhân của khách về máy chủ.

So với những cái tên kể trên, Zalo AI Avatar dễ sử dụng hơn, chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản với hướng dẫn tiếng Việt mà không cần tải ứng dụng mới hoặc vào website lạ.

Trước tình trạng “trăm hoa đua nở” người máy… tạo avatar, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, việc dùng AI tạo ảnh có thể gây tác hại về sau bởi dữ liệu của người dùng được lọc và lưu lại. Những dữ liệu này, ngoài việc hỗ trợ tạo ảnh, video, còn có thể được sử dụng cho việc quảng cáo, liên hệ với người dùng, phân tích ứng dụng. Sau đó, ảnh được dùng vào nhiều mục đích khác nhau mà người dùng người không hề hay biết.

Theo ông Nguyễn Thế Chiêu, chuyên gia công nghệ, người dùng cần cẩn trọng về nguy cơ để lọt dữ liệu cá nhân khi sử dụng những app, tính năng được cung cấp trên mạng xã hội.

Một trong những nguy cơ nữa chính là các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng hình ảnh định danh của người dùng cùng thông tin thu thập được để tạo giấy tờ xác minh giả, khôi phục quyền truy cập tài khoản hay tạo tài khoản, hình ảnh, tin tức giả mạo....

Cùng sự phát triển của AI, các đối tượng dễ dàng dùng khuôn mặt của người dùng để cắt ghép, tạo thông tin, hình ảnh giả mạo, bôi nhọ, xuyên tạc, khiêu dâm, lừa đảo…

Ông Chiêu cũng lưu ý, khi sử dụng tính năng, ứng dụng công nghệ AI mới, phải thật cẩn trọng để tự bảo vệ mình trước rủi ro tiềm ẩn. Người dùng chỉ nên sử dụng tính năng trên những ứng dụng công nghệ uy tín, kiểm soát quyền truy cập và đọc kỹ điều khoản trước khi sử dụng, rồi mới bấm nút đồng ý.

5 Cách để khuôn mặt, giọng nói không bị lợi dụng

1.Hạn chế chia sẻ hình ảnh hay video cá nhân lên mạng Internet.

2. Luôn bảo mật tài khoản mạng xã hội, email bằng mật khẩu có độ khó cao, bảo mật 2 bước.

3. Nếu bị làm giả, thông báo ngay lập tức cho mọi người và báo lên cơ quan chức năng.

4. Nâng cao nhận thức về nhận biết lừa đảo trên không gian mạng.

5. Cẩn thận hơn, nếu chia sẻ video hay clip trên mạng nên làm méo tiếng của mình, thay bằng tiếng robot hoặc AI voice, để tránh kẻ xấu biết giọng nói thật.

Theo VietnamDaily
back to top