Tiêm lưu động cho người dân trong khu phong tỏa
Sáng 2.8, tuyến đường Nguyễn Hữu Cầu (bên hông chợ Tân Định, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) vốn im ắng gần 1 tháng qua do bị phong tỏa trở nên nhộn nhịp hơn khi đoàn xe chở nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đến tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 lưu động. Khu phong tỏa này có khoảng 550 người, trong đó hơn 400 người đủ điều kiện đều được tiêm vắc xin, không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú.
Cùng ngày 2.8, P.Linh Trung (TP.Thủ Đức) cũng tổ chức 2 điểm tiêm, bà Đoàn Thị Thanh Hiệp, Phó chủ tịch P.Linh Trung, cho biết điểm tiêm tại nhà thi đấu Trường đại học Nông Lâm TP.HCM là điểm tiêm cho người dân trong khu vực phong tỏa thuộc KP.6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức. Tại điểm tiêm này tổ chức tiêm cho 500 người dân, do Trung tâm y tế TP.Thủ Đức phụ trách tiêm. Riêng đối với những trường hợp trên 65 tuổi ở trong khu phong tỏa, sẽ được sắp xếp tiêm ở bệnh viện (BV) hoặc điểm tiêm cộng đồng…
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 18,7 triệu liều vắc xin Covid-19Ngày 2.8, hơn 1,188 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca đã về đến Hà Nội, được Bộ Y tế tiếp nhận, triển khai chiến dịch tiêm chủng. Đây là lô vắc xin được tiếp nhận thông qua Cơ chế COVAX, nâng tổng số vắc xin Việt Nam được nhận từ COVAX lên hơn 8,681 triệu liều.
Trong tổng số vắc xin tài trợ cho Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX, có hơn
5 triệu liều là vắc xin Moderna do chính phủ Mỹ tài trợ và hơn 3,681 triệu liều là vắc xin AztraZeneca. Với số vắc xin mới tiếp nhận hôm qua, Việt Nam đã có hơn 18,7 triệu liều Covid-19 từ COVAX, sự hỗ trợ của một số nước; hợp đồng đặt mua của Việt NamVC và Công ty dược phẩm Sapharco . Đến ngày 31.7, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 6,2/10,7 triệu liều vắc xin Covid-19 được phân bổ, chiếm tỷ lệ 58%. Liên Châu |
Tương tự, ngày 2.8, P.24 (Q.Bình Thạnh) thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân sống và làm việc trên địa bàn phường. Đến cuối ngày, P.24 đã tiêm được khoảng hơn 750 liều vắc xin cho người dân. Trả lờiThanh Niên, bà Lê Thị Xuân Hiển, Phó chủ tịch UBND P.24, cho biết phường chia phiếu tiêm theo từng tổ dân phố, mỗi tổ dân phố sẽ được 9 phiếu mỗi ngày. Trên mỗi phiếu hẹn, người dân được chia theo từng khung giờ khác nhau để đến điểm tiêm nhằm đảm bảo giữ khoảng cách an toàn trong quá trình tiêm. Những người có độ tuổi từ 18 - 64 tuổi sẽ tiêm tại điểm tiêm cộng đồng ở địa phương, diện 65 tuổi sẽ tiêm tại các BV trong quận.
Bà Lê Thị Như Ngọc (công tác tại Trạm y tế P.24) cho hay lực lượng y tế tham gia hỗ trợ tiêm chủng cho người dân là các nhân viên y tế thuộc Trạm y tế P.24. Ngoài ra, phường có huy động thêm những y bác sĩ về hưu để tăng cường hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ theo đúng kế hoạch mà Q.Bình Thạnh đưa ra.
|
Y tế tư nhân tham gia nhiệt tình
Không những huy động y bác sĩ về hưu hỗ trợ, chiến dịch tiêm vắc xin đợt 4 và 5 của TP.HCM, điểm nhấn lần này là hệ thống y tế tư nhân đã tham gia một cách tích cực, giúp TP đẩy nhanh tiến độ.
Bác sĩ Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám (PK) đa khoa Ngọc Minh (Q.11), cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ban đầu Sở Y tế đề nghị mỗi phòng khám cử 3 đội để yểm trợ cho các quận từ đợt tiêm thứ 4. Tuy nhiên, sau đó các quận đề nghị tăng thêm nên PK lập 5 đội đi tiêm cộng đồng tại các quận: 5, 6, 11. Một đội tiêm gồm: 2 bác sĩ,
3 điều dưỡng và tình nguyện viên là các, sinh viên Đại học Y Dược, Đại học Sư phạm để đo huyết áp, hướng dẫn. Ngoài ra, PK còn cử
1 xe cấp cứu trực thường trực để cấp cứu tiêm vắc xin cho các địa điểm của Q.11. Về chi phí tiêm, công tác, bác sĩ Cao Xuân Minh, nói: “Công cán, chi phí vật tư tiêu hao đều do PK bỏ ra, còn sau dịch tính. Giờ lo cứu dân trước, vì tiêm chậm là có tội với dân. Hiện 5 đội tiêm của PK tiêm với công suất từ 2.500 - 5.000 mũi/ngày”.
Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV JW Hàn Quốc (Q.1), cho biết qua lời kêu gọi của Sở Y tế và Q.1, BV ban đầu cử 2 đội, sau đó tăng lên 4 đội chi viện cho Q.1 và Q.6. Mỗi đội có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 1 hậu cần và 1 lái xe để đưa các đội đến các điểm tiêm. Theo ông, nếu tiêm tại BV của mình thì mỗi ngày có thể tiêm 1.000 mũi, có cả bác sĩ gây mê hồi sức theo dõi tại chỗ. Hiện mỗi ngày, BV chi vài chục triệu đồng cho mọi chi phí công cán cho y bác sĩ tham gia tiêm, vật tư tiêu hao, đồ bảo hộ… Để khích lệ nhân viên tham gia tiêm chủng, BV cũng hỗ trợ 500.000 đồng/người/ngày.
“BV tham gia từ tháng 7.2021 cho đến khi TP.HCM tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng. Tất cả chi phí này, BV xin tài trợ, góp phần chung tay với TP.HCM phòng chống dịch”, bác sĩ Tú Dung nói.
Hệ thống tiêm chủng Việt NamVC đợt 4 cung cấp 100 đội tiêm với 500 nhân viên cho TP. Sang đợt 5 do tình hình dịch căng thẳng, nhân viên hệ thống tiêm chủng Việt NamVC vừa cách ly, vừa phải chi viện cho BV ở hệ thống nên cung cấp 10 đội tiêm với 50 người cho TP. Đây là đơn vị y tế tư nhân cung cấp số đội tiêm nhiều nhất cho TP hiện nay. Còn BV quốc tế Minh Anh (Q.Bình Tân) cũng là một trong những đơn vị nhiệt tình hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19, trong đợt 4 và 5 mỗi đợt cung cấp cho TP 4 đội tiêm, 2 đội Q.8, 1 đội tiêm khu công nghiệp (Q.Bình Tân), 1 đội dự bị. Cứ 1 đội là 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng. Cũng như các đơn vị khác, Hệ thống tiêm chủng Việt NamVC và BV quốc tế Minh Anh tự trang bị đồ bảo hộ, vật tư y tế…
BV FV TP.HCM là một trong các đơn vị đi đầu chi viện nhân lực TP tiêm vắc xin Covid-19. Ngày 1.8, tại cuộc làm việc với UBND TP.HCM, Sở Y tế dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế, đại diện BV này đề nghị cơ chế cho BV nhập vắc xin Covid-19 tiêm dịch vụ cho người dân. Nguồn vắc xin BV có được thông qua các mối quan hệ ngoại giao và mua bằng nguồn tài chính của BV. Kho lạnh đạt chuẩn của BV có thể lưu trữ 1,6 triệu liều vắc xin các loại. Đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ xem xét.
Bên cạnh đó, bác sĩ Tú Dung cũng như một số lãnh đạo đơn vị y tế tư nhân cũng đề xuất cần có cơ chế tài chính cho y tế tư nhân để đồng hành cùng ngành y tế công tham gia phòng chống dịch Covid-19. Trước mắt cung cấp đồ bảo hộ cấp 3, khẩu trang N95, vật tư y tế để các đơn vị thuận lợi trong quá trình hỗ trợ với TP… trong các chiến dịch tiếp theo.
Quận huyện mở rộng điểm tiêm
Theo bác sĩ Vương Anh Tài, Trưởng phòng Y tế Q.11, sau khi quận làm tốt công tác tiêm vắc xin thì Sở Y tế đã rút các đội tiêm của Sở về. Do đó, quận huy động lập 20 điểm tiêm với 40 bàn tiêm, gồm: BV Q.11 3 điểm, trung tâm y tế 1 điểm, còn lại 16 điểm là của y tế tư nhân, đó là các PK đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn.
UBND TP.Thủ Đức vừa triển khai các đội xe tiêm vắc xin Covid-19 lưu động để tiêm cho người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly, phong tỏa, người trên 65 tuổi... Ngoài ra, các đội phản ứng nhanh được cung cấp một số thiết bị phục vụ việc phòng chống dịch Covid-19, với ứng phó theo đội hình 2 người đi xe máy tiếp cận nhanh các khu vực để hỗ trợ y tế người dân có những triệu chứng nhiễm Covid-19.
Còn theo lãnh đạo Trung tâm y tế Q.Gò Vấp, ngoài các điểm tiêm cố định, tiêm cộng đồng như hiện nay và nâng công suất lên. Nơi nào phong tỏa, quận sẽ đưa đội tiêm đến đứng đầu nơi phong tỏa, mời từng người dân ra tiêm. Quận này đang lập một điểm tiêm mới tại sân vận động trên địa bàn với 20 bàn tiêm, quy mô có thể 7.000 mũi/ngày. Quận đông dân, tiêm đến 500.000 người nên phải tính toán cho chiến dịch tiêm tháng 8.
Tính đến tối 2.8, TP.HCM đã tiêm 900.000 liều, cơ bản hoàn thành tiêm 930.000 liều đợt 5, như vậy đã có hơn 1,7 triệu người tiêm mũi 1 và 70.000 người được tiêm mũi 2. Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo tiếp tục tiêm 600.000 liều đợt 6 (vắc xin AstraZeneca và Moderna mà TP được Bộ Y tế phân bổ). Với tốc độ tiêm như hiện nay, TP sẽ tiêm từ 3 - 4 ngày là xong đợt 6 và tiêm tiếp đợt 7 với 1 triệu liều.
Để đáp ứng tiêm vắc xin Covid-19 trong tình hình mới ở TP.HCM, mục tiêu tiêm 70% cho người trên 18 tuổi trong tháng 8.2021, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã đề nghị: “Mỗi phường, xã tổ chức từ 3 - 4 điểm tiêm cố định (thay vì 2 điểm tiêm trước đây); đồng thời tổ chức các điểm tiêm tại các cơ sở y tế công lập (BV, trung tâm y trạm y tế) và cơ sở y tế tư nhân (các BV đa khoa, chuyên khoa, PK đa khoa)”, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo.