Vừa tăng huyết áp, vừa có nhịp tim cao thì nguy cơ tử vong cao
Anh Hoàng Văn D. (37 tuổi, ngụ tại TPHCM) vừa nhập cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong tình trạng khó thở nặng, đau ngực, tim đập nhanh tới 105 lần/phút. Cách đây 2 tháng, anh D. được chẩn đoán tăng huyết áp. Tuy nhiên 1 tuần qua, anh thấy sức khỏe dần ổn định nên uống thuốc không đều, có khi bỏ thuốc 2 - 3 ngày liên tục.
GS.BS Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nhịp tim của một người khỏe mạnh khoảng 60 - 100 nhịp/phút. Trường hợp tim đập trên 100 lần/phút được gọi là tim đập nhanh và dưới 60 lần mỗi phút được gọi là tim đập chậm. Khi đập quá nhanh, tim phải hoạt động nhiều trong một thời gian dài sẽ dẫn đến suy tim. Nếu tim đập quá chậm với chỉ số dưới 30 - 40 lần/phút sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu ở các cơ quan. Nếu thiếu máu não, người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng, thậm chí có thể ngất đi.
GS.BS Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang khám cho người bệnh. |
Người có tần số tim cao thì nguy cơ tử vong do các biến cố về tim mạch sẽ cao hơn người có tần số tim bình thường. Do đó, nếu người bệnh vừa tăng huyết áp, vừa có tần số tim cao thì tỉ lệ xảy ra những biến cố tim mạch và tử vong càng cao gấp nhiều lần. Người bệnh tăng huyết áp nên duy trì huyết áp ở mức dưới 130/80mmHg, nhịp tim ở khoảng 60 – 70 lần/phút.
Theo GS.BS Trương Quang Bình, nhịp tim bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Trong đó tình trạng huyết áp cao, lo lắng, căng thẳng, ít vận động, thể lực kém, thiếu máu, thể trạng nhợt nhạt, người có thai, có bệnh tuyến giáp – cường giáp… đều có thể gây tăng nhịp tim.
Nếu sau khi đã kiểm soát được các yếu tố này mà nhịp tim vẫn còn nhanh, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc điều trị phù hợp nhằm giảm nhịp tim, giảm huyết áp.
Ngưng thuốc đột ngột gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Thuốc chỉ có tác dụng trong vòng 1 – 2 ngày. Việc ngưng thuốc đột ngột hoặc tự ý giảm liều lượng có thể khiến nhịp tim sẽ tăng trở lại, thậm chí có thể gặp phản ứng dội làm tăng nhịp tim cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, khi người bệnh tăng huyết áp có chỉ định sử dụng thuốc giảm nhịp tim hoặc các thuốc điều trị ổn định tần số tim, việc ngưng hoặc giảm liều phải từ từ và được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Người bệnh không được tự ý ngưng hoặc giảm liều thuốc đột ngột.
ThS.BS Nguyễn Đình Sơn Ngọc, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng nếu nhiễm Covid-19.
Một nghiên cứu trên người nhiễm Covid-19 cho thấy, tỷ lệ tử vong ở người có bệnh nền tim mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường. Do vậy, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế, người bệnh cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mà mình hiện có. Nếu còn ít thì cần gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị hoặc phòng khám chuyên khoa mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Trong trường hợp có chỉ định tái khám, phải đeo khẩu trang và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế.
Nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… thì cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến cơ sở y tếgần nhất.
Về chế độ sinh hoạt, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Nên vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch và có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó người bệnh nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng bia rượu, các chất kích thích.