Lần đầu phát hiện bệnh nhân UTTT cả hai bên
Anh Lê Văn C. (38 tuổi, Hải Dương) bị tăng huyết áp, đi khám điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh ngày càng nặng và xuất hiện các cơn đau đầu, đánh trống ngực.
Tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư, kết quả xét nghiệm chuyên sâu cho thấy hormon tủy thượng thận tăng rất cao trong máu và nước tiểu.
Trên phim chụp MSCT ổ bụng phát hiện 2 khối u tuyến thượng thận 2 bên: khối bên (P) kích thước 9,5cm đã đè đẩy tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch lách ra trước. Quá trình siêu âm vùng cổ phát hiện khối u tuyến giáp 2 bên có nhiều đặc điểm nghi ngờ ác tính. Bệnh nhân cũng có tình trạng cường chức năng tuyến cận giáp: Hormon PTH tăng cao, canxi máu tăng, siêu âm có hình ảnh phì đại tuyến cận giáp trên bên (T).
PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư – người mổ chính cho bệnh nhân cho biết, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã phẫu thuật cho nhiều trường hợp u tuyến thượng thận, tuy nhiên đây là ca đầu tiên tăng huyết áp do u tủy thượng thận ở cả 2 bên.
PGS.TS Trần Ngọc Lượng cho biết, để điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt bỏ khối u, quá trình phẫu thuật hết sức phức tạp kèm theo nhiều nguy cơ.
Về phẫu thuật: Khi cắt bỏ khối u sẽ có dấu hiệu đè đẩy tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch lách, nếu tổn thương các mạch máu lớn này bệnh nhân có thể chảy ngập máu trong ổ bụng và tử vong nhanh chóng.
Về gây mê hồi sức: Quá trình gây mê, rạch bụng, bộc lộ khối u… rất dễ gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn tới xuất huyết não, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, bên cạnh đó trong quá trình phẫu thuật cần hết sức thận trọng vì nếu xảy ra sai sót thì ngay sau khi kẹp mạch máu, cắt khối u bệnh nhân lại có nguy cơ tụt huyết áp đột ngột gây trụy tim mạch tử vong.
Về nội tiết: Cắt bỏ 2 tuyến thượng thận có thể gây suy thượng thận cấp 1 - cấp cứu của chuyên khoa nội tiết, gây rối loạn huyết động, rối loạn cân bằng chuyển hóa muối nước, mất khả năng chống đỡ của cơ thể với các stress…
Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng và phối hợp giữa các chuyên khoa trước và sau điều trị, ca mổ đã thành công.
Ca phẫu thuật UTTT cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư |
Nằm ngoài tuyến thượng thận tỷ lệ ác tính cao
PGS.TS Trần Ngọc Lương cho biết, mặc dù UTTT chỉ chiếm 0.1% nguyên nhân tăng huyết áp nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng. Nếu chẩn đoán muộn bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do cơn tăng huyết áp kịch phát.
UTTT không chỉ tìm thấy ở tủy thượng thận mà còn tìm thấy ở các hạch thần kinh giao cảm, các đám rối thần kinh hoặc tận cùng các sợi thần kinh. Khoảng 5 – 10%UTTT nằm lạc chỗ, có thể gặp 2% trong lồng ngực, trung thất, 0.2% vùng cổ... Nếu UTTT tại tuyến thượng thận, tỷ lệ ác tính là 11% trong khi UTTT ngoài tuyến thì tỷ lệ ác tính lên tới 30%...
Biểu hiện của UTTT là đột nhiên cảm thấy đau đầu dữ dội, đánh trống ngực, vã mồ hôi, xanh tái, run chân tay, đau ngực, mắt nhìn mờ, đo huyết áp có thể lên tới trên 200mmHg, nhịp tim cũng tăng rất cao và chủ yếu cơn nhịp nhanh xoang tuy cũng có trường hợp có những cơn loạn nhịp kiểu khác. Bệnh nhân cũng thường đau hai bên mạng mỡ, gầy sút, ăn uống kém, thay đổi tính tình và cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.
Điều nguy hiểm là cơn THA do UTTT thường xảy ra đột ngột, kéo dài trong khoảng 1 giờ và khó kiểm soát bằng các thuốc hạ huyết áp thông thường. Có một số yếu tố nguy cơ khiến cho cơn THA dễ bùng phát ở người có UTTT như nóng giận; gây mê phẫu thuật, một số hoạt động tạo áp lực lên khối u như thay đổi tư thế đột ngột; làm việc hoặc tập luyện gắng sức; có thai; tăng áp lực ổ bụng và cả khi... tiểu tiện hoặc đại tiện.
Thêm vào đó, việc dùng thuốc co mạch mũi trong điều trị cúm, các chất cường thần như amphetamines, cocaine; ăn uống các loại thực phẩm giàu chất tyramine (là chất có vai trò điều hòa huyết áp) như bia, rượu vang, cá đã chế biến, pho mát, chuối; dùng thuốc nhóm IMAO trong điều trị trầm cảm... đều có thể khiến cho cơn THA bùng phát trong UTTT.
Cơn THA không được kiểm soát trong UTTT có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ não, suy thận, phù phổi cấp, tổn thương đáy mắt và tử vong.
Để phòng bệnh UTTT cần xây dựng một chế độ ăn uống và lối sống khoa học, khỏe mạnh; Nếu trong gia đình có người thân bị mắc các bệnh u nội tiết thì tất cả các thành viên nên được khám tầm soát bằng các xét nghiệm cận lâm sàng; Khi thấy mắt mờ, đau đầu nặng, yếu nửa cơ thể, đau ngực, tăng nhịp tim, mắt cá chân phù lên, khó thở, yếu trong người và chóng mặt khi đứng lên thì nên đến bệnh viện sớm.