Giữ nguyên học phí để chia sẻ với người học
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng vừa có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục và đào tạo đề nghị chỉ đạo và quán triệt thực hiện các khoản thu trong năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 và công tác chỉ đạo điều hành giá năm 2021.
Tại văn bản, về vấn đề mức học phí năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 sẽ hết hiệu lực sau khi kết thúc năm học 2020 - 2021 (Nghị định 86).
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng nghị định thay thế Nghị định 86 để áp dụng từ năm học 2021 - 2022 và đã trình Chính phủ để xem xét, phê duyệt.
Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính với người học do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí của năm học 2021 - 2022 ổn định, không tăng so với năm học 2020 - 2021.
Từ năm học 2022 - 2023, mức học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế để từng bước thực hiện lộ trình tính đủ chi phí theo quy định.
Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí của năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021.
Sau khi Chính phủ duyệt ban hành nghị định thay thế Nghị định 86, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục cần rà soát thực hiện theo đúng ghị định mới được ban hành; tăng cường kiểm tra, giám sát, có trách nhiệm giải trình với xã hội về hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó có nội dung về quản lý học phí.
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay Bộ đã phối hợp các bộ ngành, lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở GD&ĐT trên cả nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 (sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020 - 2021 kết thúc).
Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định, đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định.
Các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế, được thu học phí tối đa từ 2 - 2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
Chỉ những trường tự bảo đảm chi thường xuyên, đạt kiểm định chất lượng thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.
Đồng thời, cơ sở này phải thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tăng học phí phải có lộ trình
Liên quan đến vấn đề tăng học phí, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, so mức học phí của các trường đại học ở Việt Nam với các trường ngay trong khu vực còn thấp hơn rất nhiều. Với mức đầu tư như của chúng ta hiện nay chắc chắn không thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học được.
Việc các trường đại học trong quá trình tự chủ và thực hiện xã hội hóa, tính đúng tính đủ chi phí đào tạo là một việc sẽ phải làm để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Và việc tăng học phí đối với hệ thống giáo dục đại học là việc làm tất yếu và sẽ phải tiến hành.
Tuy nhiên, việc tăng học phí cần có lộ trình, để làm sao các đối tượng trong xã hội có thu nhập không tốt nhưng vẫn thực hiện được nhu cầu nguyện vọng và ước mơ của mình. Ngoài ra, còn tránh tâm lý người dân bị đột ngột, không quen.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội cũng cho rằng, Luật khẳng định rõ việc quyết định học phí là quyền của các trường.
Tuy nhiên, việc quyết định học phí là yếu tố rất quan trọng, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng phải làm sao bảo đảm hướng tiếp cận học đại học của người học.
Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần, vì vậy, việc nâng học phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau.
Đặc biệt, học phí đóng vào chưa phải là 100% chi phí đào tạo mà một phần dành cho đầu tư cơ sở vật chất. Các trường phải làm sao để sinh viên thấy rõ được rằng việc đóng góp của mình được đầu tư trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đào tạo, thì sẽ nhận được sự đồng thuận của sinh viên và phụ huynh.
Năm nay, theo công bố của nhiều trường, học phí đã tăng khi các trường trên lộ trình tự chủ. Một số trường như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch… dự kiến tăng gấp đôi học phí so với năm học trước.
Mức học phí tăng lên 2 - 5 triệu đồng mỗi năm áp dụng với tất cả ngành hoặc một số ngành tại các trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học Sài Gòn.