Tăng học phí vẫn phải nằm trong khung được Nhà nước quy định
Trong đề án tuyển sinh công bố đầu tháng 6 của Đại học Y Dược TPHCM, học phí dự kiến tăng 2 - 5 lần. Trong đó, ngành Răng - Hàm - Mặt thu cao nhất 70 triệu đồng mỗi năm, Y khoa 68 triệu đồng, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, Dược học 50 triệu đồng.
Ngay lập tức, những con số này đã gây “sốc” với nhiều phụ huynh và nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, với mức học phí này, thì học trò nghèo, dù học giỏi sẽ không có cơ hội vào học ngành Y, không dám đăng ký dự tuyển. Và nếu vậy, thì rất có thể, ngành Y sẽ mất đi những bác sĩ ưu tú.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo của nhà trường cho rằng, việc tăng học phí này là cần thiết. Lý do là vì từ năm 2020, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho trường nữa, vì vậy, nhà trường phải tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). |
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, theo cơ chế tự chủ, các trường sẽ phải xây dựng lộ trình tăng học phí dựa trên cơ sở giải trình rất rõ mức thu đó được sử dụng vào mục đích gì. Tức là phải có cơ cấu về xây dựng mức thu và cũng phải nằm trong khung được Nhà nước quy định.
Cho nên, đối với việc tăng học phí, không phải là các trường muốn bao nhiêu thì tăng mà vẫn phải nằm trong khung học phí.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Hà Nội, trong bối cảnh thực hiện tự chủ, khi Nhà nước không đầu tư ngân sách nữa, thậm chí là tự chủ đến mức tự chủ cả đầu tư, thì nguồn thu đó không thể trang trải cho các hoạt động chi thường xuyên mà phải tích lũy cho đầu tư phát triển, thì xu hướng tăng học phí là tất yếu.
Nhưng khi tăng học phí, phải có thông báo và có lộ trình ngay từ khi tuyển sinh để cho học sinh biết bắt đầu vào trường sẽ phải đóng học phí bao nhiêu và hằng năm lộ trình tăng thế nào.
Về việc tăng học phí này có làm mất đi cơ hội của những học sinh nghèo học giỏi hay không, ông Cường cho biết, cơ chế tự chủ phê duyệt các trường bao giờ cũng phải kèm theo các điều kiện. Không phải các trường cứ thu học phí về rồi sử dụng cho nhà trường mà phải có phần dành cho người học.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, các trường phải dành ít nhất là 8% mức thu đó để thành học bổng cho người học. Ngoài ra, sẽ có các huy động khác để trở thành những nguồn hỗ trợ cho người học. Đặc biệt, những đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng được Nhà nước hỗ trợ bằng mức mà học phí cơ bản của Nhà nước quy định.
Cho nên, với những chính sách như vậy, những đối tượng học sinh nghèo nhưng có năng lực vẫn có thể theo học.
“Tôi biết rằng hiện nay có những trường có mức học bổng trợ cấp cho những học sinh giỏi cao hơn mức mà các em phải đóng. Có nghĩa là nếu các em nhà nghèo mà học giỏi thậm chí các em không phải đóng gì mà còn được thêm khoản tiền để trang trải cho cuộc sống. Và tôi cho rằng, đó là chính sách các trường cần phải có”, ông Cường nói.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tăng học phí đi đôi với nâng cao chất lượng là việc đương nhiên và là bài toán đặt ra đối với các trường hiện nay. Nếu các trường tăng học phí lên mà chất lượng đào tạo, giảng dạy, dịch vụ không tốt thì thì thí sinh sẽ không lựa chọn.
Hơn nữa, học phí của các trường thu về không giống như thu của doanh nghiệp. Vì các trường tuy tự chủ nhưng đều là trường công, nằm trong sự kiểm soát của Nhà nước, sẽ có kiểm toán, thanh tra, có quy định rất rõ ràng về nguồn thu đó được sử dụng như thế nào.
Và mục tiêu của các trường khi thu học phí cũng luôn hướng tới việc đầu tư thêm, tăng thêm các trang thiết bị, sử dụng các điều kiện giảng dạy tốt hơn, tuyển dụng được đội ngũ giáo viên có trình độ cao hơn… Như vậy, chất lượng đào tạo sẽ phải tăng lên.
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Tăng học phí là tất yếu, nhưng phải có lộ trình
Đại biểu Phạm Tất Thắng trao đổi với phóng viên KH&ĐS bên hành lang Quốc hội. |
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc các trường đại học trong quá trình tự chủ và thực hiện xã hội hóa, tính đúng tính đủ chi phí đào tạo là một việc sẽ phải làm để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Bởi so mức học phí của các trường đại học ở Việt Nam với các trường ngay trong khu vực còn thấp hơn rất nhiều. Với mức đầu tư như của chúng ta hiện nay chắc chắn không thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học được.
Cho nên việc tăng học phí đối với hệ thống giáo dục đại học là việc làm tất yếu và sẽ phải tiến hành.
Tuy nhiên, đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, việc tăng học phí cần có lộ trình.
Bởi nếu tăng một cách đột ngột, thì thứ nhất, đối đối với dư luận xã hội, tâm lý của người dân chưa quen. Thứ hai là phải tính tới đặc thù xã hội Việt Nam. Ngoài việc tính đúng tính đủ thì phải có sự chuẩn bị, lộ trình để làm sao các đối tượng trong xã hội có thu nhập không tốt nhưng vẫn thực hiện được nhu cầu nguyện vọng và ước mơ của mình.
Thực tế, Nhà nước hiện nay cũng có chính sách và có quy định trong Luật Sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục đại học, đó là có những chính sách tín dụng để những sinh viên có ước mơ hoài bão nhưng gia đình chưa đủ điều kiện về kinh tế, thì vẫn có thể học đại học được.
Nhưng các trường cũng cần có những chính sách riêng để tạo điều kiện cho những sinh viên có năng lực thực sự nhưng gia đình không có điều kiện có thể theo học.