Ngày 25/8, Bộ GD&ĐT ban hành các quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2021.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm (tăng 0,5 điểm so với năm trước).
Riêng các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, ngưỡng này là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá là 17 điểm. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Đối với các ngành khác ngoài nhóm ngành sức khoẻ, sư phạm, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) là điều kiện cần để thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh.
Đánh giá về mức điểm sàn này, GS TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích, nhìn chung, phổ điểm năm nay nhỉnh hơn năm ngoái; số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng. Bởi vậy, tăng 0,5 điểm sàn so với năm ngoái vừa đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, hợp lý trong lộ trình tăng dần chất lượng đào tạo giáo viên, vừa đáp ứng yêu cầu số lượng và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Về việc tăng điểm sàn liệu có khiến các trường khó khăn trong tuyển sinh, PGS.TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương đánh giá, điểm sàn được cân nhắc, tính toán trên cơ sở phân tích dữ liệu khoa học, hợp lý. Các ngành đào tạo giáo viên có yêu cầu về năng khiếu vẫn cần đạt trình độ nhất định để làm giáo viên, do đó, không nên hạ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các môn văn hóa.