Tăng cường sức khỏe cho ngôi nhà

(khoahocdoisong.vn) - Đứng trước sự tác động của dịch bệnh, ngôi nhà cũng có thể bị “ốm” ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Tạo thông gió tự nhiên, tận dụng ánh sáng, thiết kế tiểu cảnh xanh trong nhà … là những giải pháp hữu hiệu giúp tăng cường sức khỏe cho ngôi nhà trong và sau đại dịch.
 

Bố trí nội thất ngăn nắp và thông thoáng

Một ngôi nhà khỏe trước tiên phải sạch sẽ, ngăn nắp. Hãy dọn dẹp, gấp gọn đồ đạc, những vật dụng không dùng tới mà vẫn có thể tái sử dụng thì nên cho tặng. Sử dụng dung dịch sát khuẩn làm sạch mọi bề mặt tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh, bề mặt thường xuyên tiếp xúc trong nhà. Đó là mặt bàn, ghế, mặt tủ, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, công tắc đèn, bề mặt bếp, vòi tắm, nhà vệ sinh, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em… Theo khuyến cáo của UNICEF, trong phạm vi gia đình có thể sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa và nước sạch để khử trùng. Sau đó, dùng thêm cồn 70% hoặc thuốc tẩy. Một số dung dịch tẩy gia dụng pha loãng cũng được áp dụng cho các bề mặt cụ thể như bếp, bàn ăn... Hút bụi thường xuyên trên bề mặt thảm trải sàn, ghế sofa bằng vải, nỉ.

 

Tạo ra thông gió tự nhiên

Sử dụng nguyên lý bình thông nhau để làm thông gió cho nhà ở, giảm bớt ẩm mốc, mầm bệnh. Tức là trong cùng một không gian phải có khí vào và khí ra. Ví dụ: cửa chính là nơi khí vào thì cửa sổ là nơi có khí ra. Sau đó sử dụng điện cưỡng bức tạo thông gió tự nhiên. Cách này áp dụng rất tốt cho nhà phố, nhà trong hẻm, nhà ống, căn hộ chung cư.

Nhà chung cư thường có cửa sổ và cửa đi nằm ở 2 hướng khác nhau. Ta cần xác định luồng gió trong nhà từ các cửa. Tìm ra chính xác hướng gió vào – ra và đặt quạt xuôi theo hướng gió. Như vậy, ngôi nhà sẽ được cấp khí tươi chủ động, tạo bầu không khí trong lành. Thông thường ở căn hộ chung cư, luồng gió vào sẽ là cửa sổ.

Với nhà phố, nhà ống, nhà trong hẻm cũng áp dụng cách thức tương tự như trên. Ngoài hướng gió vào và ra trên cùng 1 mặt phẳng, còn có hướng gió theo trục thẳng đứng, nằm ở cầu thang, giếng trời. Gia chủ cần tận dụng để đưa gió phân tán đến tất cả các phòng, không gian. Nếu nhà có tầng tum, thay vì đóng cửa cả ngày, nên mở cửa buổi sáng và đóng lại vào buổi tối. Cách này sẽ tạo luồng gió theo chiều thẳng đứng cho ngôi nhà. Đồng thời, giảm bớt bí bách, nóng bức mùa hè.

Giải pháp chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo

Tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên thông qua việc mở cửa sổ, cửa thông gió. Ánh sáng giúp ngôi nhà khô ráo, giảm mùi hôi, nấm mốc, mầm bệnh, virus. Cần kết hợp sử dụng ánh sáng nhân tạo nhưng làm cho màu sắc và cường độ ánh sáng gần với tự nhiên nhất. Một số mẹo đơn giản gia chủ có thể áp dụng ngay tại nhà như tận dụng ánh sáng từ nước; từ vật liệu bắt và phát sáng như thủy tinh, pha lê...; đèn hắt sáng...

Bể thủy sinh.
Bể thủy sinh.

Nếu có sẵn bể cá, hồ thủy sinh trong nhà, dùng đèn chiếu sáng vào nước. Hoặc cũng có thể tự làm hồ thủy sinh nhân tạo bằng cách tận dụng chậu, bình thủy tinh để trồng thủy sinh khoai tây, khoai lang, bơ, hành tây… Bố trí thêm đèn có ánh sáng hắt vào nước. Ánh sáng nhân tạo khuếch tán qua nước trở thành thứ ánh sáng tự nhiên, dịu nhẹ, lung linh, thêm tác dụng thư giãn. Ngoài ra, hồ thủy sinh trong nhà còn giúp tránh không khí bị khô khi chúng ta bật điều hòa trong thời gian dài.

Ánh sáng trực tiếp có thể gây hại cho võng mạc, suy giảm thị lực, rối loạn nhịp sinh học. nên thay vì sử dụng ánh sáng trực tiếp, nên dùng ánh sáng gián tiếp của đèn. Hắt sáng gián tiếp giúp điều tiết ánh sáng, màu sắc nội thất, không gian, tăng sự tĩnh lặng, dịu nhẹ cho chốn thư giãn tại gia. Nên sử dụng ánh sáng trung tính (Neutral) hiển thị ở mức 4.000 - 4.500K trong thang Kelvin, nằm giữa ánh sáng trắng ấm và trắng lạnh.

Thêm không gian xanh cho ngôi nhà

Một ngôi nhà khỏe không thể thiếu xanh. Cây xanh là một “bộ lọc” không khí hữu ích, tăng cường oxy, giúp căn nhà thêm thông thoáng hơn. Con người được hòa mình vào thiên nhiên cũng giảm bớt phần nào căng thẳng, stress, tù túng, ngột ngạt khi ở nhà. Một số loại cây ít công chăm sóc phù hợp với cung cư, nhà phố như: hoa mười giờ, hoa giấy, lan ý. Khu vực ban công, phòng phơi đồ, máy giặt, phòng khách, bếp, có thể đặt chậu lan chi, lưỡi hổ, thiết mộc lan… Sân thượng hoặc ban công có thể biến thành vườn rau. Có thể tận dụng các thực phẩm trong bếp tạo thành cây xanh như trồng hành, khoai tây, khoai lang, rau củ…

Bố trí nội thất tăng cường sức khỏe cho ngôi nhà là việc làm cần thiết cho chính sức khỏe của bạn và gia đình. Đặc biệt với những khu vực đang phong tỏa vì dịch Covid-19, cần áp dụng ngay để diệt khuẩn, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Khoa học đã chứng minh, dưới sự khuyếch tán của gió và ánh sáng, virus corona giảm đáng kể.

KTS Đoàn Tú (Công ty Kiến trúc Tây Hồ)

Theo Bài đặt chuyên gia
back to top