Tài sản lớn từ đâu mà ra?
Những ngày qua, báo chí và dư luận xã hội rất quan tâm đến thông tin cho rằng bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương sở hữu khối tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang – một doanh nghiệp từng thuộc Bộ Công Thương quản lý. Ông có theo dõi vụ việc này?
Có chứ, mấy ngày nay tôi tìm đọc hết các báo, theo dõi trên truyền hình về vụ việc này và thấy rất quan tâm. Tôi thấy có nhiều thông minh phải xác minh rõ.
Nếu có điều gì khuất tất, sai trái như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm lợi cho bản thân thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo ông thì điều gì là bất thường trong câu chuyện này?
Trước hết là nguồn gốc tài sản được Bộ Công Thương xác nhận là có từ trước khi bà Thoa được bổ nhiệm làm thứ trưởng, nhưng đã được xác minh rõ tính minh bạch hay chưa? Bởi vì Công ty Điện Quang đã cổ phần hóa vào năm 2005 cũng là thời điểm bà Thoa nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Nếu quá trình cổ phần hóa không được thực hiện nghiêm túc, giám sát kỹ lưỡng có thể dẫn tới trường hợp lợi dụng chức quyền, “nhập nhằng” mua đi bán lại cổ phiếu để nắm giữ quyền kiểm soát. Như vậy, có thể dẫn tới việc gây thất thoát vốn nhà nước, rơi vào nhóm đặc quyền, đặc lợi.
Bà Thoa từ vai trò là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, tiếp đến là Chủ tịch HĐQT Công ty Điện Quang có tài sản được hình thành từ trước khi bổ nhiệm làm thứ trưởng khiến dư luận đặt ra dấu hỏi là tại sao lại có tài sản lớn như vậy.
Bất thường ở đây là nguồn gốc của khối tài sản ấy chứ không phải chuyện khối tài sản ấy là bao nhiêu?
Đúng là thế, nếu chỉ kinh doanh giống như một doanh nghiệp bình thường thì làm sao mà có khối tài sản ấy được. Một cán bộ có khối tài sản lớn như vậy là bất thường.
Còn nếu đơn thuần là một doanh nghiệp thì phải dồn bao nhiêu tâm trí, bao nhiêu năm thì mới có khối tài sản như vậy.
Dù là tài sản có từ trước khi được bổ nhiệm, nhưng tôi cũng không hiểu công ty ấy làm ăn có lãi như thế nào? Rõ ràng là có nhiều điều không bình thường. Doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa dễ có những vấn đề về hóa giá tài sản để người ta lợi dụng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu kiểm tra làm rõ khối tài sản này?
Đó là việc chứng minh nguồn gốc khối tài sản ấy, xem tài sản ấy có đúng là do công sức của bà Thoa và gia đình làm ra, hay là có được từ những sơ hở trong quản lý của Nhà nước để người ta làm giàu. Có hay không những khuất tất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp?
Nếu có thì ở những vị trí lãnh đạo thì người ta rất dễ lợi dụng để làm lợi cho bản thân. Còn kể cả là doanh nhân, có được khối tài sản lớn như thế không đơn giản. “Thương trường là chiến trường”, đâu dễ gì có thể giàu như thế.
Đương chức cũng phải xử
Có người nói rằng nếu đi tận ngõ ngách tài sản của cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, thì khối tài sản lớn hàng trăm tỷ này cũng không phải là hiếm?
Nếu so với những người chưa bị phát hiện có những khối tài sản lớn khi làm lãnh đạo hoặc đã từng làm lãnh đạo, thì mình không biết được.
Nhưng một người vừa đã từng làm lãnh đạo, lại là thứ trưởng Bộ Công Thương có tài sản hàng trăm tỷ đồng thì không bình thường.
Nếu phát hiện bất cứ cán bộ nào có khối tài sản lớn như thế cũng cần phải kiểm tra, xem xét nguồn gốc của khối tài sản ấy. Nếu không phải lợi dụng chức quyền thì không thể có được.
Nhưng không loại trừ tài sản đó của thứ trưởng Thoa là chính đáng?
Tôi thì cho rằng khó có khả năng đó! Nhiều khả năng là có khuất tất trong quá trình cổ phần hóa, lợi dụng vị trí, quan hệ của bản thân để làm lợi cho bản thân. Còn lao động bằng sức lực của bản thân để có chừng ấy tiền là cực khó.
Nếu vị trí công việc đem lại lợi nhuận như vậy mà đúng pháp luật thì cũng không phải là không thể, và cũng chẳng có gì sai?
Nếu làm được như thế thì tốt quá chứ còn gì nữa?
Giả sử có sai phạm, theo ông sẽ phải xử lý thế nào để mang tính răn đe?
Nếu xác định nguồn tài sản đó là bất minh thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật, thu hồi hoặc truy tố mặc dù là đang tại chức.
Từ trước đến giờ có lẽ đây là vụ việc hiếm có, một người đang còn tại vị mà bị phanh phui về vấn đề tài sản. Nếu đúng là có sai phạm, phải xử lý, thì có lẽ đây là trường hợp đầu tiên.
Đang xử lý không có vùng cấm trong tham nhũng!
Qua vụ việc này, ông đánh giá thế nào về kết quả công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay?
Đúng là chúng ta đang xử lý không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Từ người đã nghỉ hưu đến người đương chức, đều bị xử lý nghiêm minh.
Đảng đã chỉ đạo quyết liệt và nhất quán các vụ việc tham nhũng nổi cộm. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang chuyển biến mạnh từ trên xuống dưới, rất đáng mừng.
Theo nhận định cá nhân của ông, vụ việc này có hiếm gặp không?
Tôi cho rằng nếu có các nguồn tin và đi sâu được vào vấn đề thu nhập của cán bộ lãnh đạo thì chắc có lẽ không phải là hiếm đâu.
Chỉ có điều nó vẫn là tảng băng chìm. Mừng là tảng băng chìm ấy đang ngày càng lộ dần bằng nhiều kênh khác nhau.
Ông là người có kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng, ông cũng khẳng định là chiêu thức tham nhũng ngày càng tinh vi. Việc phát hiện ra các vụ tham nhũng không phải dễ. Vậy điều gì quyết định việc một vụ việc có bị phanh phui?
Báo chí, dư luận, người dân, các kênh kiểm soát bây giờ phát triển, tính dân chủ được nâng cao, người ta dám nói thì việc phanh phui các vụ việc sẽ nhiều hơn.
Thế nên dù có tinh vi đến thế nào thì nếu muốn, nếu làm đến cùng thì người ta vẫn phát hiện được chứ không tinh vi đến mức không thể nào phát hiện được. Hơn nữa, khối tài sản hơn 100 tỷ đồng là cổ phiếu, giao dịch thế nào thì người ta nắm được ngay, tính ra ngay giá trị tài sản chứ không khó.
Xin cảm ơn ông!
Tô Hội (thực hiện)