Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng QG, vitamin A giúp trẻ tăng trưởng và phát triển hoàn thiện hơn. Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc. Đối với thị giác, vitamin A có vai trò trong quá trình nhìn thấy của mắt, biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là giảm khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu (quáng gà). Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, biểu mô da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết. Khi thiếu vitamin A, biểu mô và niêm mạc bị tổn thương; tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù lòa. Vitamin A giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ. Mới đây người ta còn phát hiện vitamin A có khả năng làm tăng sức đề kháng với các bệnh nhiễm khuẩn, uốn ván, lao, sởi, phòng chống bệnh ung thư.
Vitamin A quan trọng nên khi chế biến thực phẩm cần tránh làm giảm hao hụt lượng vitamin đáng quý này. Theo các chuyên gia, nên để rau quả nơi thoáng khí, mát và khô ráo, tránh nhiệt độ quá cao, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Rau mua về nên sử dụng sớm, không lưu trữ trong thời gian dài, ngay cả để trong tủ lạnh cũng không giữ được vitamin có trong rau. Nên rửa rau quả trước khi cắt vụn hoặc thái nhỏ vì rửa sau băm nhỏ một số vitamin mất khi ngâm rửa trong nước. Nên cho rau vào nồi khi nước đã sôi. Sau nấu, chiên, xào cần sử dụng ngay, không để dành và hâm lại nhiều lần sẽ mất lượng lớn vitamin có trong rau, củ.
Nguồn vitamin A giàu có nhất trong gan động vật, điều này là do động vật lưu trữ vitamin A trong gan. Một khẩu phần 85g gan bò xào có chứa 6.582mcg vitamin A. Gan cá cũng là nguồn vitamin A tuyệt vời. Khoai lang, cà rốt, bông cải xanh, ớt chuông, xoài, dưa lưới rất giàu vitamin A nên nhớ bổ sung cho trẻ trong mỗi bữa ăn. Vitamin A bổ sung bằng thực phẩm là an toàn nhất bởi nếu đưa vào cơ thể lượng quá lớn (dùng viên uống bổ sung không theo chỉ dẫn) dễ làm cho cơ thể bị ngộ độc. khi ngộ độc vitamin A cấp cơ thể sẽ buồn ngủ, kích thích, đau bụng, buồn nôn, nôn, tăng áp lực nội sọ; Ngộ độc mạn: Giảm thị lực, đau xương, chán ăn, chóng mặt, buồn nôn và nôn, nhạy cảm với ánh sáng, da khô, sần sùi, ngứa, tróc vảy, móng tay dễ gãy, loét niêm mạc miệng, góc miệng nứt và khô, vàng da, rụng tóc, viêm đường hô hấp, lú lẫn…Để an toàn khi sử dụng vitamin A ở dạng thuốc (hoặc thực phẩm chức năng), cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc và nên tận dụng nguồn vitamin A có từ thức ăn, đặc biệt từ nguồn thực vật (rau, củ, trái cây) rất hiếm xảy ra quá liều.