Có thành phần dinh dưỡng cao
TS Nguyễn Văn Hội, Trung tâm Sinh thái nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nguồn rác hữu cơ hằng ngày của gia đình bắt nguồn từ: Sản phẩm phụ không sử dụng (ví dụ như lá rau già vứt bỏ, bã chè, bã tôm, cua…) và thực phẩm thừa không được tiếp tục sử dụng sau bữa ăn như cơm, canh, thịt, cá, rau… Việc ném bỏ rác thải hữu cơ như nhiều gia đình vẫn làm vừa lãng phí vừa tạo ra nguồn rác rác gây ô nhiễm môi trường, gây mùi hôi thối, phát sinh bệnh tật cho người và các loài vật nuôi… Chính vì thế, việc tận dụng rác thải hữu cơ giống như một mũi tên trúng nhiều đích, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống.
Ở quy mô lớn thì rác thải hữu cơ có thể dùng sản xuất phân hữu cơ công nghiệp, tạo khí đốt hoặc có thể dùng phát điện. Ở quy mô hộ gia đình, rác thải hữu cơ chỉ có thể sử dụng làm phân bón. Một số có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (ví dụ: lợn, gà, cá…).
Theo TS Nguyễn Văn Hội, đồ thừa hữu cơ của con người có thể nói là nguồn phân mạnh nhất (có thành phần dinh dưỡng cao nhất và đa dạng nhất ví dụ vỏ trứng là nguồn canxi tự nhiên, xương lợn, gà là nguồn lân hữu cơ, còn đạm thì sẵn trong rau quả…) so với các loại phân bón trên thị trường hiện nay. Thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học, chúng ta có thể tận dụng rác thải hữu cơ để làm thành chất dinh dưỡng sạch bón cho cây trồng. Có nhiều cách sử dụng khác nhau từ quy mô trang trại đến từng hộ gia đình như xay nhuyễn rác thải hữu cơ hòa vào nước tưới cho cây trồng, vùi trực tiếp rác thải xuống đất, ủ phân hữu cơ…
Tránh mùi hôi không khó
Theo TS Nguyễn Văn Hội, rác hữu cơ càng chứa nhiều dưỡng chất thì càng sinh mùi hôi thối mạnh. Đây chính là điều khiến người dân băn khoăn nhất khi tận dụng lại rác thải hữu cơ. Thực tế, khi các rác hữu cơ này được sử dụng cho cây trồng, chúng sẽ buộc phải phân hủy thành dưỡng chất dạng hòa tan, trước khi cây trồng sử dụng làm dinh dưỡng. Mùi khó chịu sinh ra có thể xem là sản phẩm phụ của tiến trình trình phân hủy sinh học (ví dụ như khí H2S, SO2, CH4...), chứ không chi phối hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm từ cây trồng.
TS Nguyễn Văn Hội cho biết, hiện cách phổ biến và dễ dàng nhất cho các hộ gia đình là ủ phân hữu cơ theo cách truyền thống. Cách này dễ sinh mùi và nếu không che đậy tốt sẽ hấp dẫn ruồi muỗi, chuột… Bởi vậy, cách này chỉ thích hợp áp dụng ở vùng nông thôn, nơi có môi trường thoáng đãng.
Để tránh tạo mùi hôi, người dân có thể áp dụng theo một số cách. Thứ nhất, hiện nay thị trường có một số chế phẩm sinh học có thể sử dụng để tưới vào thùng rác ủ, giúp thúc đẩy quá trình phân hủy sinh học hoặc ức chế vi sinh vật gây mùi thối.
Cách nữa là chôn lấp trực tiếp vào đất. Đây là cách làm rất có lợi cho động vật và vi sinh vật đất, cũng như dinh dưỡng đất. Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là tốn công, và việc đào xới sẽ gây hại cho cấu trúc đất. Hơn nữa, nếu không vùi lấp cẩn thận, chuột bọ sẽ đào bới thức ăn sau khi chôn lấp. Vì vậy, ở quy mô hộ gia đình, nếu có thể, người dân có thể xay nhuyễn thức ăn thừa, pha loãng và có thể sử dụng trực tiếp để tưới cho cây trồng trong điều kiện thoáng đãng. Trong môi trường đông dân cư, để đảm bảo không sinh mùi và ruồi muỗi, gia đình nên dùng sục khí, bổ sung vi sinh trong vài ngày để dịch lỏng phân hủy sinh học, trước khi tưới cho cây. Trong trường hợp làm theo cách chôn trực tiếp xuống đất, người dân cần lưu ý là chôn các chất thải hữu cơ nhiều dưỡng chất (như thịt cá thừa, bã tôm, cua..). Các rác khác ít dưỡng chất và không sinh mùi trong điều kiện tự nhiên như rác rau, cơm thừa… có thể dùng rải đều lên mặt luống đất trồng cây (làm lớp phủ và để phân hủy tự nhiên…).
Ở quy mô lớn hơn ví dụ hợp tác xã hoặc trang trại, thị trường hiện nay có bán các máy sản xuất phân hữu cơ và sản phẩm cuối cùng là dạng viên, bột hoặc phân hữu cơ đã được nghiền vụn và độ ẩm thấp, thuận lợi cho bảo quản, vận chuyển và sử dụng.
“Cuộc sống văn minh sẽ hướng mỗi con người đến trách nhiệm tự thân: Gây tổn hại ít nhất đến môi trường – cũng có nghĩa là – giữ môi trường tương lai tốt hơn cho con cháu. Bởi vậy, hạn chế rác thải, tái sử dụng rác thải hữu cơ là việc cần làm vì môi trường sống chung cho thế hệ hiện tại và tương lai”- TS Nguyễn Văn Hội.